Khát vọng đưa giáo dục ngang tầm với các nước phát triển

(PLVN) - Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và ý kiến trao đổi của các thành viên Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91 đề trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến trước ngày 20/11/2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh trong bài: MOET).

Cần tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Tại Phiên họp nhằm cho ý kiến về “Định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XII ”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sự nghiệp giáo dục đạt được nhiều kết quả tích cực. Phiên họp sẽ cho ý kiến để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Kết luận 91 của Bộ Chính trị đảm bảo tính khả thi. Thủ tướng đề nghị các ý kiến thảo luận tại phiên họp cần tập trung vào các phương án, giải pháp phù hợp với tình hình đất nước.

Báo cáo về định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận 91, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ GD&ĐT đã gửi xin ý kiến góp ý và tiếp thu ý kiến góp ý của 25 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55 tỉnh, thành phố. Đến nay, dự thảo Chương trình hành động về cơ bản đã bảo đảm yêu cầu bám sát Kết luận số 91, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai để tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 và Kết luận 91 của Bộ Chính trị và cụ thể hóa phân công đến từng Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương. Trong đó, đã tập trung cụ thể hóa 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Bộ GD&ĐT xin ý kiến các thành viên Ủy ban về việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học. Quản lý viên chức ngành Giáo dục; tiền lương cho nhà giáo; thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; các thiết chế trong xây dựng xã hội học tập.

Các thành viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo cơ bản nhất trí với định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị được nêu trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Chương trình hành động đã đề cập tới xã hội hoá giáo dục và xây dựng xã hội học tập nhưng cần tập trung hơn nữa. Đó là một số “điểm nghẽn” của giáo dục hiện nay là thống nhất quản lý nhà nước, quản lý viên chức, tiền lương nhà giáo, GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị đánh giá, rà soát để có giải pháp cho những vấn đề này.

Với quan điểm muốn phát triển phải có hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh và phải có các trường đẳng cấp quốc tế, GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị quan tâm nguồn đầu tư công để hiện đại hoá giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Phân tích các vấn đề đặt ra từ phân luồng, hướng nghiệp sau THCS và cho rằng cần có giải pháp cho vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng thời nhấn mạnh tới đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng trong giáo dục. Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, nên mạnh dạn giao quản lý biên chế viên chức cho ngành Giáo dục, giải quyết vấn đề thừa thiếu cục bộ và những vấn đề quản lý về nhà giáo.

Nhấn mạnh quan tâm thêm tới phân luồng sau THCS và có sự điều chỉnh phù hợp với văn hoá đào tạo của Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, các danh mục công việc trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91 cần cân nhắc rà lại để đưa những công việc khả thi, đặc biệt các đề án có làm được không, nếu làm được phân định thực hiện theo năm.

Một số chính sách đang xây dựng, như Nghị quyết về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050… được Phó Thủ tướng yêu cầu liệt kê vào Chương trình hành động.

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai

GS.TS Nguyễn Thị Doan trao đổi tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo, luôn đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu. “Khi đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, làm động lực, nguồn lực, mục tiêu cho sự phát triển. Không gì quý bằng con người. Chúng ta không hy sinh công bằng xã hội, an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng”, Thủ tướng nói.

Cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã có nội hàm, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 5 phương châm: Thời gian - Trí tuệ - Khát vọng - Tự lực - Hội nhập. Trong đó, thời gian là các chính sách ban hành liên quan tới giáo dục phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả. Trí tuệ là dựa vào giáo dục, dựa vào đổi mới sáng tạo.

Về khát vọng, Thủ tướng lưu ý, đưa nền giáo dục theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt. “Chúng ta xác định đến năm 2030 vẫn là nước đang phát triển, nhưng với vị trí quốc sách hàng đầu nên giáo dục cần đi đầu, đi sớm hơn. Khát vọng đưa giáo dục ngang tầm với các nước phát triển càng sớm càng tốt”, Thủ tướng nêu rõ.

Đối với phương châm tự lực, theo Thủ tướng, đó là tự cường, tự tin dân tộc, lấy nguồn lực bên trong là nền tảng, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Phương châm hội nhập là phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Cùng với 5 phương châm, Thủ tướng đề cập tới 3 yếu tố quan trọng cần quan tâm để chỉ đạo cho sát. Đó là phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ của các địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo để phát huy không gian sáng tạo, với quan điểm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Đó là nâng cao chất lượng học và dạy; tạo cảm hứng, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô làm động lực; giáo viên nâng cao chất lượng. Đối với học sinh, chất lượng học là phù hợp với lứa tuổi, tạo cảm hứng, động lực cho học sinh.

Và thứ ba là xây dựng cơ chế để đẩy mạnh xã hội học tập và học tập suốt đời. Chỉ đạo cụ thể về 6 vấn đề Bộ GD&ĐT xin ý kiến thành viên Ủy ban tại phiên họp, Thủ tướng khẳng định, thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là cần thiết và giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lại xem thế nào là thuận lợi, vì lợi ích chung. Theo Thủ tướng, mỗi cách quản lý đều có mặt tích cực và chưa tích cực; tích cực thì làm và đã làm phải nhanh, kịp thời, khả thi và hiệu quả.

Đối với vấn đề quản lý đội ngũ giáo viên, Thủ tướng lưu ý, biên chế, trường lớp phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam; trong đó tinh thần là giảm điểm trường, tăng quy mô trường và chú ý liên cấp. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí và sửa đổi quy định sao cho phù hợp.

Về huy động nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, từ thực tế nhiều địa phương có cách huy động nguồn lực tốt, Thủ tướng đề nghị cần tổng kết các mô hình huy động nguồn lực, nghiên cứu chính sách tổng thể huy động nguồn lực.

Đối với các thiết chế xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn. Học tập kiến thức không có giới hạn tuổi tác, giới tính, tôn giáo, tất cả mọi người được tiếp cận bình đẳng. Học càng nhiều kiến thức càng lớn, xây dựng đất nước càng phát triển.

Từ các ý kiến của thành viên Ủy ban tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT với vai trò chủ trì xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ tiếp thu tối đa hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ để ban hành Nghị quyết thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị ngay trong tháng 11.

“Việc hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động sao cho bố cục gọn nhẹ, nội dung rõ ràng, thể hiện rõ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hành động dứt điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian. Trong đó lưu ý nội dung về quy hoạch mạng lưới, chất lượng đội ngũ nhà giáo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nguồn lực đầu tư cho giáo dục, từng bước tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”, Thủ tướng chỉ đạo.

Đọc thêm