Khen, chê có văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một cô gái vừa đăng quang Hoa hậu đã có ngay những phát biểu gây phản cảm về những người đồng trang lứa, khiến không ít người nổi giận và đáp trả bằng sự phê phán, thậm chí đòi tước danh hiệu của cô. Mặc dù cô đã hai lần xin lỗi, nhưng dư âm của những lời nói đó còn đọng lâu trong dư luận xã hội và trong cảm nhận của mỗi người.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trước đó và không ít lần có những “người của công chúng” bị vạ miệng vì những dòng trạng thái chia sẻ trên mạng xã hội, phải trả những cái giá “rất đắt”, không chỉ là tiền phạt hoặc kỷ luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp, đặc biệt là hình ảnh trong lòng người hâm mộ.

Mạng xã hội nhiều khi không phải là ảo mà thực sự phơi bày tính cách của những người sử dụng nó. Một người muốn khoe điều gì đó trên mạng xã hội cũng không có gì là xấu khi muốn một sự sẻ chia, đồng cảm và hơn hết là những lời khen, động viên chân thành từ “cư dân” mạng. Chỉ không nên khoe khoang “hợm hĩnh” mà thôi.

Ai cũng có cái muốn khoe, đó là trạng thái tâm lý bình thường của mỗi con người, dân gian có câu: “Giàu khoe có, khó khoe con” để lý giải về điều này. Có điều khen, chê chừng mực là phép ứng xử có văn hóa và phải chân thành. Khi tham gia vào cộng đồng Facebook có mục “Kết bạn” và đã xác định là “bạn” thì dẫu là “ảo” đi chăng nữa thì cũng cần một cách ứng xử bạn bè tôn trọng.

Không chỉ trên mạng xã hội mà ngay cả trên báo chí truyền thông đôi khi cũng có những câu viết phản cảm. Khi đội tuyển nữ bóng đá Việt Nam chỉ thua đội Mỹ (đội số 1 thế giới) 0 - 3, có tờ báo đã ca ngợi, cho rằng tỉ số thua này ít hơn một đội khác, khiến đội kia “muối mặt”. Điều này đã làm dư luận bất bình và cho đó là sự thiếu tế nhị trong ứng xử.

Một trong những tiêu chí xây dựng xã hội của chúng ta là văn minh. Muốn đạt được điều đó thì cần đến ứng xử văn hóa của mỗi người thành viên của xã hội đó.