Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang dự thảo Thông tư bổ sung một số điều trong Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay trong đó có điều khoản gây tranh cãi yêu cầu nhân viên hàng không trình độ cao khi muốn chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho chủ sử dụng lao động 06 tháng.
Đây là một dự thảo quy định chưa từng có, trái ngược với Bộ Luật lao động và Luật Việc làm đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.
Luật chơi riêng?
Tới thời điểm này, quy định gây tranh cãi đó đã được nhiều cơ quan mổ xẻ, bình luận. Người ủng hộ, người phản đối đứng trên quan điểm cá nhân, lợi ích cá nhân và lợi ích của đơn vị mà họ đại diện. Vậy, điều gì đã khiến Bộ GTVT phải dự thảo một Thông tư với quy định khác biệt hoàn toàn với Bộ Luật lao động vốn được áp dụng từ năm 1994 không có tranh cãi như vậy?
Ảnh minh họa: Vietnamcentrepoint |
Cách đây chưa lâu, ngày 7/1, người đứng đầu Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị trong đó có yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline-VNA).
Điều đó có nghĩa là một số lao động kỹ thuật cao của VNA mới có đơn xin nghỉ việc sẽ không được đồng ý, vì Cục Hàng không dân dụng là nơi cấp giấy phép bay cho những lao động này. Quyết định của Bộ GTVT xuất phát từ việc hơn 30 nhân viên hàng không kỹ thuật cao bao gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng tàu bay của VNA mới nộp đơn xin nghỉ việc.
Câu chuyện lao động của VNA xin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chưa có hồi kết thì chỉ hơn ba tháng sau, dự thảo Thông tư ra đời. Đương nhiên, người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho dự thảo này là VNA- nơi đang tìm mọi cách để lao động của mình không dịch chuyển sang doanh nghiệp khác. Nhưng liệu có phải vì bảo vệ VNA mà Bộ GTVT sẵn sàng đưa ra một quy định trái luật?
Kể từ năm 1994, khi Bộ Luật Lao động được Quốc hội thông qua lần đầu tiên, quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho chủ sử dụng 45 ngày nếu đó là Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và từ 15 đến 30 ngày nếu đó là hợp đồng xác định thời hạn từ 1 đến 3 năm. Quy định đó được áp dụng đối với mọi người lao động, từ người công nhân vệ sinh quét rác tới những CEO đi thuê của các tập đoàn lớn. Quy định được thực hiện mà chưa gây bất cứ tranh cãi nào.
Kể cả những lao động trình độ cao tới Việt Nam làm việc cũng tuân thủ theo quy định này. Trong trường hợp có các thỏa thuận riêng thì chủ sử dụng lao động cũng thỏa thuận với từng người trong các Hợp đồng cụ thể. Ở cấp doanh nghiệp, không đơn vị nào đưa ra các quy định này áp dụng cho số đông người lao động.
Vậy mà Bộ GTVT đang muốn kiến tạo một “luật chơi riêng”, vượt ra ngoài những quy định đã được thực hiện từ năm 1994 đến nay.
Nếu ngành nào cũng đòi đặc thù…
Để bảo vệ cho quy định trong dự thảo, đương nhiên phía ủng hộ đưa ra hàng loạt những lý do, rằng ngành hàng không là đặc thù, lao động trình độ cao cũng đòi hỏi các quy định phải cao hơn Bộ Luật lao động, chu kỳ sản xuất kinh doanh của ngành hàng không là 06 tháng, vì vậy lao động muốn nghỉ việc cũng phải báo trước 06 tháng… Nhưng nếu ngành nào cũng “đòi” phải có cơ chế đặc thù như ngành hàng không thì lấy đâu làm chuẩn để thực hiện?
Ngành nào, doanh nghiệp nào cũng sẽ có những lao động ở trình độ cao, khó tuyển. Ngành nào, doanh nghiệp nào cũng có những lao động ở những vị trí quan trọng mà nếu họ nghỉ việc sẽ gây thiệt hại lớn. Nhưng không thể vì thế mà có những quy định hạn chế, thậm chí cấm đoán người lao động dịch chuyển, bởi Bộ Luật lao động bảo vệ quyền lợi cho họ và thêm nữa, mới đây Luật Việc làm được Quốc hội thông qua, trong đó nêu rõ: “Người lao động được bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc”.
Ảnh minh họa: Người Lao động |
Không chỉ có quy định về quyền báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, còn nhiều quy định khác để bảo vệ quyền lợi người lao động như quy định về mức lương tối thiểu, thời giờ làm thêm…
Vào những thời gian sửa Bộ Luật lao động, đã có rất nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp yêu cầu tăng thời giờ làm thêm của người lao động lên và giảm lương làm ngoài giờ xuống, nhưng cơ quan soạn thảo vẫn kiên trì quan điểm. Bởi hơn ai hết người lao động cần được bảo vệ vì họ luôn yếu thế trước ông chủ của mình, cho dù đó là lao động trình độ cao.
Việc người lao động chuyển đổi chủ sử dụng, dịch chuyển trên thị trường là điều bình thường và các doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn đa quốc gia đã phải nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để giữ chân họ, nhất là với những lao động tài năng.
Những biện pháp này chủ yếu là tăng phúc lợi, tăng cơ hội thăng tiến và tạo môi trường làm việc tốt, thuận lợi để người lao động được phát triển bản thân. Làm cách nào đó để người lao động chọn và tự hào được làm việc, cống hiến cho nơi mình làm việc là cách quản trị nhân sự hiện đại, thay vì đưa ra các quy định cấm đoán hoặc hạn chế quyền của người lao động.