(PLO) -Việt Nam đã hội nhập vào kinh tế thế giới và hàng không là một ngành có độ mở hội nhập cao, không thể thực hiện những qui định khác thông lệ quốc tế.
Cuối tuần trước, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lại công bố một văn bản gây tranh cãi - dự thảo thông tư bổ sung một số điều về bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, trong đó có quy định về chấm dứt hợp đồng với nhân viên có trình độ cao, đặc biệt là đối với phi công.
Theo đó, những nhân viên hàng trong nhóm “trình độ cao” (gồm phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, nhân viên điều độ, khai thác bay) phải thông báo bằng văn bản 180 ngày (tương đương 6 tháng - TG) trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phản hồi ngay lập tức cho rằng đây là chính sách “rất cần thiết”, vì gần đây đã có một số nhân viên, nhất là phi công của hãng đã bỏ việc sang các hãng hàng không khác.
Đáng nói là nhiều phi công đã được Vietnam Airlines bỏ tiền ra đào tạo. Rằng, người am hiểu đều biết, việc đào tạo một phi công giỏi khá tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Việc họ cùng lúc nhảy việc, “bay” cho hãng khác sẽ gây không ít xáo trộn, có thể làm mất ổn định khai thác cho một hãng bay.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, chính sách được Bộ GTVT ban hành nói trên rõ ràng đang chứa đựng trong đó nhiều điểm bất hợp lý.
Đầu tiên, nó trái với quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành. Theo đó, một thông tư của cấp bộ ban hành không được phép hướng dẫn những điều trái với một Bộ luật do Quốc hội ban hành để bảo vệ lợi ích của người lao động.
Bởi vậy, cho dù Bộ GTVT giải thích, hàng không là ngành đặc thù và theo Luật Hàng không thì lãnh đạo ngành có thể ra quyết định khác, cũng không phù hợp tinh thần thượng tôn pháp luật ở chỗ, quan hệ lao động luôn được xác lập rất rõ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Và quan hệ này phải được điều chỉnh bằng Bộ luật Lao động, chứ không thể bằng luật chuyên ngành.
|
Vietnam Airlines cần sòng phẳng hơn để giữ chân người lao động |
Ở nhiều nước, các hãng bay đều có qui định trên và họ cũng áp dụng theo các quy định về luật Lao động và phổ biến là người lao động của các hàng hãng không chỉ phải báo nghỉ việc trước 30-45 ngày.Về nguyên tắc (đã được quy định trong Luật Lao động), hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Việc giao kết hợp đồng lao động phải thể hiện sự bình đẳng, tự nguyện thể hiện ý chí của mỗi bên. Việc qui định như dự thảo thông tư của Bộ GTVT là sự ép buộc, trái với nguyên tắc tự nguyện trong quá trình thương lượng, giao kết hợp đồng lao động và cũng trái với quy định Bộ luật lao động về giao kết hợp đồng lao động.
Việt Nam đã hội nhập vào kinh tế thế giới và ngành hàng không là một trong những ngành có độ mở hội nhập cao, không thể thực hiện những qui định khác thông lệ quốc tế.
Việt Nam cũng đang chuẩn bị gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng ta đã ký kết là qui định tự do chuyển dịch lao động.
Một vấn đề khác là quy định như dự thảo trên sẽ tạo ra bất bình đẳng vì sẽ có lợi cho hãng hàng không này (Vietnam Airlines) mà gây bất lợi cho các hãng hàng không khác (như Vietjet Air, Hải Âu…). Cụ thể, quy định kéo dài thời gian thông báo nghỉ việc sẽ hạn chế các hãng hang không mới đang bắt đầu phát triển tìm kiếm người. Điều này sẽ làm méo mó môi trường cạnh tranh lành mạnh của kinh tế thị trường.
Trong thực tế, chi phí đào tạo cho một phi công ngày nay cũng không lớn như cách đây nhiều năm. Ví dụ, nếu đưa một phi công sang Mỹ học làm cơ phó, chỉ mất khoảng 1,5 năm và tổng số tiền đào tạo khoảng 2 tỉ đồng, theo tính toán của các doanh nghiệp đưa người đi du học nước ngoài. Mức chi phí này còn thấp hơn nhiều ngành khác, kể cả ngành y tế.
Như vậy, nếu lập luận, ngành của mình là ngành “đặc thù”, để kêu ca, đề xuất phải ra thông tư trái với qui định của pháp luật là không thể chấp nhận được. Rõ ràng, Vietnam Airlines cần phải tìm cách khác, sòng phẳng hơn để giữ chân người lao động thay vì thông qua một chính sách không công bằng như vậy.
Ngay việc viện dẫn lý do an ninh hàng không, hay làm mất khả năng cạnh tranh của hãng này, hãng khác cũng không phải là nguyên nhân để buộc phải xây dựng một dự thảo chính sách trái khoáy như vậy.
Nhà nước pháp quyền không thể chấp nhận một thông tư mà nếu ban hành sẽ làm mất sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống luật pháp nói chung. Những văn bản như dự thảo thông tư bổ sung một số điều về bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, trong đó có quy định về chấm dứt hợp đồng với nhân viên có trình độ cao của Bộ Giao thông vận tải, là cần phải loại bỏ.