[links()]Hợp đồng bảo hiểm phát sinh xung đột, không bồi thường thì bị khách hàng tố là “bội bạc”, mà bồi thường thì cán bộ lại đừng trước nguy cơ “cố ý làm trái…”, trong tình huống này lựa chọn tối ưu của các công ty bảo hiểm là phán quyết tòa án. Thế nhưng, oái oăm là rất nhiều trường hợp, khách hàng lại không đưa đơn ra tòa mà chọn những cách “khiếu nại” khác gây mất thời gian và uy tín doanh nghiệp.
|
Các công ty bảo hiểm ghi nhận rất nhiều trường hợp mua bảo hiểm sau khi xe bị nạn. (Ảnh chỉ có tính minh họa) |
Từ nghi án chủ xe Camry “trục lợi” bảo hiểm
Ngày 20/9, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh nhận được công văn của Công ty bảo hiểm Bảo Việt Hà Nội đề nghị giám định dấu vết trong vụ tai nạn giao thông xảy ra tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh giữa xe một xe ô tô Camry chưa đăng ký biển kiểm soát với bức tường phía trước nhà điều hành một công ty.
Phối hợp với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an và Công an huyện Tiên du, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành dựng lại hiện trường, nghiên cứu và giám định dấu vết trên phương tiện và hiện trường vụ tai nạn. Sau khi giám định, Viện Khoa học hình sự đã có bản kết luận giám định, khẳng định: dấu vết biến dạng, hằn, xước kim loại ở bên phải nắp máy (cabô) xe ô tô Camry không phải hình thành do va chạm với mặt ngoài bức tường.
Kết luận giám định như vậy của phía cơ quan công an đã “phủ nhận” gần như hoàn toàn căn cứ yêu cầu bồi thường mà phía khách hàng nại ra. Vì theo tường trình của người điều khiển xe thì vị này đã điều khiển xe đâm va vào tường gây tai nạn. Vụ việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ, nhưng một văn bản của Bảo Việt Hà Nội đã không ngần ngại đặt vấn đề “có yếu tố trục lợi bảo hiểm”!
Không chỉ xẩy ra riêng đối với Bảo Việt, hồi đầu năm 2012, một xe Mercedes trị giá 5 tỷ mua bảo hiểm tại Bảo Minh chỉ sau 3 ngày thì bị tai nạn đâm xuống ruộng sâu bên một cung đường cao tốc phía Đông Bắc, ước tổn thất sửa chữa khoảng 700 triệu đồng. Khi cán bộ Bảo Minh đến hiện trường xe vẫn nằm dưới ruộng và hai gia đình gần nơi bị nạn xác nhận xe bị rơi xuống đó đêm hôm trước. Tuy nhiên khi cán bộ giám định đang tác nghiệp thì một số trẻ chăn trâu xúm lại xem và xì xào xe này nằm đây mấy ngày rồi. Sau khi chính thức mời chính quyền địa phương cùng nhân chứng làm việc, Bảo Minh xác định được tai nạn xảy ra vào đêm trước ngày khách hàng đi mua bảo hiểm!
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2007 - 2011, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm tại thị trường Việt Nam bị phát hiện là 44.704 vụ, với tổng số tiền là hơn 410 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là 3.973 vụ, với tổng số tiền là 149,95 tỷ đồng. Bảo hiểm xe cơ giới và con người là 2 lĩnh vực có số vụ trục lợi bảo hiểm nhiều nhất và phức tạp nhất
“Chúng tôi hướng dẫn khác hàng khởi kiện ra tòa”
Trong trường hợp xẩy ra tại Bắc Ninh, bị phía doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường chủ xe đã mướn luật sư để đòi quyền lợi. Công văn ký ngày 13/9 của công ty luật gửi Bảo Việt Hà Nội nói rõ, “nếu không nhận được sự hợp tác của quý công ty, chủ xe sẽ khởi kiện ra tòa án để đòi bồi thường thiệt hại, đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông giúp đỡ bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm”. Thế nhưng, đã quá gần hai tháng, phía công ty bảo hiểm vẫn chưa nhận được “trát” của tòa.
“Hợp đồng bảo hiểm phát sinh xung đột, không bồi thường thì bị khách hàng tố là “bội bạc”, mà bồi thường thì cán bộ lại đừng trước nguy cơ “cố ý làm trái…”, trong tình huống này lựa chọn tối ưu của các công ty bảo hiểm là phán quyết tòa án” – một vị đại diện Bảo Việt trần tình.
“Không riêng trường hợp này, trong nhiều trường hợp khác, để đảm bảo quyền lợi khách hàng cũng như bảo vệ giá trị doanh nghiệp, Bảo Việt chỉ còn nước hướng dẫn khách hàng khởi kiện ra tòa án. Phán quyết của tòa nhân danh Nhà nước là công bằng nhất cho cả đôi bên. Thế nhưng, oái oăm là rất nhiều trường hợp, khách hàng lại không đưa đơn ra tòa mà chọn những cách “khiếu nại” khác gây mất thời gian và uy tín doanh nghiệp” - vị này cho biết thêm.
Cùng với sự phát triển của thị trường, diễn biến trục lợi bảo hiểm được cho là sẽ càng ngày càng phức tạp. Vì vậy, các công ty bảo hiểm đề nghị lần sửa đổi tới đây, Bộ luật Hình sự cần bổ sung tội danh này cùng các chế tài nghiêm khắc, song hành với việc cải cách thủ tục tố tụng dân sự để tạo thuận lợi cho các yêu cầu khởi kiện liên quan đến bồi thường bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Hà Hương