Đàn ông và trang phục váy
Đức Triệu, con rể của “vua hài đất Bắc” Xuân Hinh được biết đến với lối thời trang phá cách khi liên tiếp anh diện những chiếc váy ra đường. Chính điều này đã nhận được những điều tiếng không hay kiểu như: “Nhìn chẳng ra làm sao! Cứ vin vào phong cách thời trang để cổ súy cho những điều lệch lạc trái thuần phong mỹ tục”...
Tại sao đàn ông không thể làm như những gì phụ nữ có thể. Đơn cử như việc mặc váy, diện đồ sặc sỡ, ưa thích chuyện bếp núc... Những việc làm, sở thích ấy liệu có quyết định được sự nam tính của người đàn ông?
Chính vợ Đức Triệu, Bảo Linh, con gái của NSƯT Xuân Hinh cũng có những lời để bênh vực chồng rằng: “Mình nghĩ nam tính hay không là ở cách sống, cách bạn ứng xử, còn những gì bạn mặc không có nghĩa vụ chứng minh và cũng không thể chứng minh sự nam tính được đâu”.
Bản thân Đức Triệu cho rằng: “Việc phân định giới trong thời trang đã qua lâu lắm rồi. Nếu tìm hiểu về lịch sử thời trang, các bạn sẽ biết vua Louis XIV nước Pháp thế kỷ 18 có tóc giả dài, tất chân, giày cao gót cùng với thanh kiếm lớn là hình tượng chuẩn mực của châu Âu về sự nam tính, rắn rỏi.
Những người đàn ông có ảnh hưởng trong lịch sử cũng luôn sặc sỡ và khoa trương. Còn trong giới động vật, tạo hóa sinh ra con đực luôn sặc sỡ và lộng lẫy hơn con cái. Chỉ là tiêu chuẩn thay đổi theo thời đại nhưng không có nghĩa là lịch sử sai hoặc hiện tại đúng. Chỉ đơn giản là nó thay đổi thôi và mỗi người có quyền lựa chọn mình tin vào điều gì miễn là nó đúng đắn”.
Tất cả những trái chiều ấy đến từ tư tưởng tính nam độc hại (là khái niệm xã hội gắn người đàn ông với những tính cách, trách nhiệm mang tính cực đoan như: phải mạnh mẽ về thể chất, ít cảm xúc và hung hăng trong hành vi, không có tính nữ như thể hiện nhiều cảm xúc, nhận sự giúp đỡ, phải đạt được quyền lực, địa vị xã hội, vai trò trụ cột thì mới được xã hội tôn trọng), một định kiến đã có từ xưa tới nay, ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người, và điều ấy làm ảnh hưởng đến rất nhiều thứ trong cuộc sống như vấn đề trong gia đình hay việc lựa chọn công việc của giới trẻ.
Cần phải biết rằng, nam tính hay nữ tính không phải là đặc tính bẩm sinh hay tự nhiên, mà là những khái niệm hình thành từ văn hóa. Việc "ngó lơ" cảm xúc và gồng mình sống cho trọn vẹn hai chữ "nam tính" trở thành thước đo giá trị của một người đàn ông. Thế nhưng, “nam tính” không phải biểu hiện sinh học, hay nói cách khác không phải là thứ sinh ra đã có ở nam giới; mà thực chất là một kiến tạo xã hội, là những kỳ vọng về mặt hành xử, lối sống mà xã hội đặt lên một người.
Năm 2019, tổ chức về sức khỏe tinh thần nam giới Movember khảo sát 4.000 người tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức. Kết quả cho thấy 53% nam giới trong độ tuổi 18 - 34 áp lực phải trở nên nam tính. 36% mệt mỏi vì phải cư xử mạnh mẽ và có đến 58% tin rằng xã hội mong đợi họ phải mạnh mẽ về cảm xúc, không được khóc, không tỏ ra yếu đuối. 22% cho biết họ thường xuyên hoặc luôn luôn bị những người xung quanh chế nhạo vì không đủ nam tính.
Hình mẫu tưởng chừng “lý tưởng” mà quan niệm xã hội tạo ra cho cánh đàn ông lại tiềm tàng nhiều mối nguy hại không thể lường trước. Việc dựng nên những quy chuẩn cực đoan đã khiến người đàn ông có xu hướng né tránh việc thể hiện và giải quyết cảm xúc. Điều này vô hình trung khiến nam giới dễ mắc phải các vấn đề nghiêm trọng về tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, hay nhẹ hơn là căng thẳng kéo dài.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, tỉ lệ nam giới có hành vi tự sát cao gấp 3,5 lần so với nữ giới, đồng thời cũng có tỉ lệ mắc trầm cảm cao hơn đáng kể so với nửa còn lại của thế giới. Bên cạnh đó, vì không tìm kiếm hay nhận được sự giúp đỡ để giải quyết những vấn đề về tinh thần, nam giới thường tìm đến rượu, bia hoặc các chất kích thích như một “liều thuốc an thần tạm thời” khiến tỉ lệ lạm dụng rượu, bia và chất kích thích ở phái mạnh cũng được ghi nhận cao gấp 2 - 3 lần so với nữ giới, gây ra những tổn thương sâu sắc đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất của người đàn ông.
Đàn ông trụ cột - quan niệm gây nhiều tác hại?
Đức Triệu trong trang phục váy và vợ. (Nguồn: TTVN) |
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nam giới, tính nam độc hại còn là nguyên nhân gián tiếp gây ra những bất ổn về mặt xã hội. Việc áp đặt tính nam độc hại đã làm gia tăng xu hướng bạo lực ở nam giới và từ đó tình trạng bạo lực nói chung và bạo lực gia đình do nam giới gây ra cũng tăng cao.
Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có gần 2 người (tỷ lệ 63,8%) từng bị ít nhất một hình thức bạo lực cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Trong đó, thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra rằng, trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em. Mà những con số này đều bắt nguồn từ việc người đàn ông tự cho mình có vị thế cao hơn phụ nữ, tự cho mình quyền và hành vi được làm tổn thương đến người vợ của mình, một phần vì định kiến ấy đã tồn tại và được cho là đúng từ xa xưa.
Trong nhận thức từ xa xưa, ở gia đình, đàn ông phải gánh vác trách nhiệm ra ngoài kiếm tiền, phụ nữ ở nhà nội trợ. Ngày nay, ta có thể nhận thấy ở một số gia đình, người phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải làm việc nhà, vừa phải quan tâm con cái, rất nhiều việc dồn lên đôi vai của người phụ nữ, mà người đàn ông đi làm về chỉ cần nằm nghỉ ngơi. Đó cũng chính là biểu hiện cho tính nam độc hại đang còn tồn tại trong một số gia đình ở Việt Nam.
Giảng viên Nguyễn Thị Dung - Khoa ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Bây giờ có rất nhiều phụ nữ tài năng, mạnh mẽ, quyết đoán, năng động. Cạnh đó cũng có một số người đàn ông an phận thôi làm công việc lương không cao. Trong trường hợp đó, nếu mà người vợ không gồng gánh thì gia đình sẽ vất vả.
Thế nên trong gia đình ai giỏi cái gì thì nên làm cái đấy và san sẻ với nhau, ví dụ như là vợ có năng lực kiếm tiền tốt thì chồng về nhà nên giúp đỡ vợ làm việc nhà và ngược lại. Không nhất thiết đàn ông phải là trụ cột kinh tế, vì đây là định kiến xã hội, gây áp lực rất lớn cho đàn ông, dẫn đến tâm lý coi thường chồng ở một số người vợ”.
Tư tưởng tính nam độc hại ấy còn gây ra áp lực không nhỏ trong việc lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ, không chỉ trước đây mà còn cả ngày nay.
Việt Tùng - chủ Trung tâm đào tạo người mẫu BYB Academy (Hà Nội) nói về vấn đề công việc, đặc biệt là định kiến về công việc người mẫu: “Thứ nhất thì đại đa số mọi người vẫn có quan điểm rằng công việc catwalk, người mẫu là dành cho nữ giới, nên các bạn trẻ nam giới muốn đi theo con đường này phải chịu một số những cái áp lực từ xã hội cũng như là gia đình.
Tôi thấy khá là nhiều bình luận tiêu cực ở trên mạng xã hội nói về những người nam giới làm nghề người mẫu. Tuy nhiên, gần đây cũng có tín hiệu đáng mừng khi số lượng học viên nam giới ngày càng đông hơn. Điều này cho thấy, các bạn trẻ đang tự thoáng, đang tự cởi mở đối với bản thân và sẵn sàng đối mặt để thay đổi định kiến của xã hội”.
Còn nhớ, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm đã từng phát biểu: “Thay vì lựa chọn công việc theo sở thích, đam mê và năng khiếu, không ít học sinh vẫn có phần e dè khi đã lựa chọn những ngành nghề không đúng với đam mê của bản thân, chỉ để phù hợp với những định kiến đã “đóng khung” của xã hội rằng nghề này chỉ phù hợp với nữ, nghề kia chỉ phù hợp với nam”.
Những định kiến đó đã và đang kìm hãm sự phát triển của các cá nhân, cũng như của xã hội.