Khi giám định viên pháp y “mếu” vì chứng cứ

(PLO) - Phóng viên mang những kiến nghị của bà Tô Thị Kim Hoa -  Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM về vấn đề vướng mắc ở khâu giám định pháp y nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục như: 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Các khâu bị vướng như: quy trình trưng cầu giám định pháp y tình dục trẻ em  thời gian kéo dài nên có thời gian kéo dài nên chứng cứ khó lưu giữ, việc không công khai kết quả giám định pháp y cho gia đình bị hại cũng gây khó cho việc hỗ trợ khởi kiện… đến với Viện Pháp y quốc gia, cơ quan chuyên môn sâu về hoạt động giám định pháp y, thì được biết bản thân các giám định viên cũng rất trăn trở về vấn đề này.

Ông Ngô Hường Dũng – Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết, hiện nay gần tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Trung tâm Pháp y có chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám định tư pháp về pháp y với nhiều loại hình giám định, trong đó có giám định pháp y tình dục. Đối với các vụ việc xâm hại tình dục nói chung và các vụ xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, theo luật định, các cơ quan giám định này sẽ tiến hành giám định khi có trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động giám định ở góc độ cơ quan giám định rất nhanh gọn, có thể có kết quả ngay trong ngày nếu như không phải làm thêm các xét nghiệm bổ sung. Việc thời gian kéo dài là phụ thuộc vào quy trình điều tra, trưng cầu của cơ quan tố tụng. 

Cũng theo ông Dũng, từ góc độ giám định viên, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em khi đến với cơ quan giám định trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất nhưng cơ quan giám định cũng gặp rất nhiều khó khăn vì chứng cứ đã bị… xóa sạch, “khi vụ việc xảy ra, gia đình, chính quyền, cơ quan công an thường đưa nạn nhân đến các cơ sở sản khoa của bệnh viện để thăm khám.

Do không có nghiệp vụ pháp y mà chỉ có nghiệp vụ sản khoa nên trong quá trình thăm khám các y, bác sĩ trong nhiều trường hợp đã vô tình có tác động làm mất dấu vi vết sinh học hoặc bỏ sót các thương tích ở các vùng khác của cơ thể có liên quan như: vết tinh dịch, lông bộ phận sinh dục, dấu hiệu chống đỡ… là những bằng chứng rất quan trọng giúp tìm ra thủ phạm”. Cũng có những trường hợp gia đình nạn nhân do dự trong việc tố giác tội phạm, nên trình báo cơ quan chức năng muộn cũng là nguyên nhân khó khăn cho việc giám định và truy nguyên nghi can – ông Dũng cho biết.

 Về vấn đề không công khai kết quả giám định pháp y cho gia đình bị hại cũng gây khó cho việc hỗ trợ khởi kiện, theo ông Dũng, quy định của pháp luật cơ quan giám định chỉ trả lời kết quả giám định cho cơ quan trưng cầu. Việc quản lý, thông báo kết quả giám định thuộc thẩm quyền của cơ quan trưng cầu.

Bà Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam:

Bà Trần Thị Thanh Thanh
Bà Trần Thị Thanh Thanh

Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, cùng với các nguyên nhân chủ quan về nhận thức, trách nhiệm gia đình, cộng đồng, trách nhiệm quản lý của các cơ quan truyền thông, giáo dục, tư pháp thực thi luật pháp, sự hạn chế trong phối hợp hoạt động hệ thống bảo vệ trẻ em và phát huy sự tham gia của các tổ chức xã hội. Mặt khác, trong quá trình tham gia, các tổ chức xã hội gặp một số khó khăn, trở ngại về nhận thức, về điều kiện, cơ chế tham gia, đặc biệt là thiếu các quy định về thẩm quyền của tổ chức Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong tham gia quá trình tố tụng để bảo vệ trẻ em.

Bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Bà Đào Hồng Lan
Bà Đào Hồng Lan

Thời gian qua, nhiều tổ chức xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Mạng bảo vệ quyền trẻ em  đã có nhiều tích cực trong công tác phòng chống xâm hại tình dục dưới các hình thức liên kết với đoàn thể, cơ quan truyền thông để tuyên truyền, tư vấn, nâng cao nhận thức về luật pháp, kỹ năng phòng ngừa cho các gia đình, cộng đồng, học sinh các trường học, hỗ trợ, chăm sóc kịp thời cho các nạn nhân… Tuy nhiên, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Việc này phản ánh vấn đề nhức nhối của thực tiễn, đòi hỏi giữa các cơ quan, các tổ chức phải có những giải pháp làm thế nào giảm được tình trạng xâm hại trẻ em nói chung trong đó có xâm hại tình dục. Chúng ta phải tìm có giải pháp, cơ chế để tập trung trong thời gian tới nhằm giảm thực trạng này. Giải quyết vấn đề này không chỉ cần vai trò của một đơn vị mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng xã hội, kể cả việc nâng cao nhận thức, xử lý vụ việc, đặc biệt là vai trò của gia đình.

Đọc thêm