Khi nào áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ?

(PLO) - Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành đã quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) từ khi người khởi kiện nộp đơn cho Tòa án nhưng chưa quy định việc áp dụng biện pháp này trước khi khởi kiện. 
Cơ quan THADS địa phương đang tiến hành kê biên tài sản là quyền sử dụng đất.
Cơ quan THADS địa phương đang tiến hành kê biên tài sản là quyền sử dụng đất.

Vì vậy, TANDTC đã được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Luật BPKCTT trước khi khởi kiện. Tuy nhiên, các góp ý cho thấy phải quy định thận trọng, chặt chẽ để loại trừ nguy cơ tổ chức, cá nhân lạm dụng Luật làm hại lẫn nhau, nhất là trong sản xuất, kinh doanh.

Áp dụng BPKCTT là một trong những phương thức hữu hiệu để kịp thời bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra; góp phần giải quyết hậu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân phát hiện thấy tài sản của mình đang bị xâm phạm song vì lý do khách quan mà họ chưa thực hiện được việc khởi kiện ra Tòa án hoặc họ muốn tự thương lượng để giải quyết với nhau trước khi khởi kiện ra Tòa án. Trong những trường hợp này họ cần Tòa án hỗ trợ, áp dụng ngay một BPKCTT nhằm bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cũng cho phép áp dụng biện pháp này rất hiệu quả… Vì thế, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, việc ban hành Luật này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Các ý kiến cho rằng việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện là loại việc mới, chưa có thực tiễn nên bước đầu cần quy định thận trọng, chặt chẽ vì thủ tục này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của chủ thể bị áp dụng. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu phải áp dụng ngay một trong các biện pháp này thì người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm (tương tự như quy định Điều 136 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Như vậy, chỉ nên quy định trong Luật này các biện pháp liên quan đến yêu cầu bảo toàn tài sản, quyền tài sản để đảm bảo tính hợp lý, khả thi. Có thế, Tòa án mới có cơ sở để xem xét, ấn định mức bảo đảm về tài chính đối với từng trường hợp cụ thể. 

Góp ý bằng văn bản về Dự thảo Luật, Chính phủ, VKSNDTC, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật. VKSNDTC thì đề nghị cần cân nhắc quy định các biện pháp có thể bảo vệ ngay lập tức quyền nhân thân của con người; các căn cứ áp dụng đối với từng biện pháp, giấy tờ, tài liệu người yêu cầu phải nộp cho Tòa án để làm cơ sở áp dụng. Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ ra, việc áp dụng BPKCTT như quy định tại Dự thảo Luật mới chỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ tẩu tán tài sản, thay đổi tài sản để đảm bảo việc thi hành nghĩa vụ dân sự mà chưa có các biện pháp bảo đảm quyền nhân thân như buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.

Tán thành quan điểm về tầm quan trọng và sự cần thiết phải ban hành Luật, nhưng một số chuyên gia băn khoăn về tính khả thi của Luật bởi đây là vấn đề hoàn toàn mới, chưa có thực tiễn để tổng kết, đánh giá. Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh trên thương trường vô cùng khốc liệt, có thể có nguy cơ tổ chức, cá nhân lạm dụng Luật để hại nhau. “Thẩm phán các địa phương rất ngại và e dè về vấn đề này vì nếu làm sai dễ bị “thân bại danh liệt”. 

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang phản ánh, hàng năm có đến 40-50% số vụ việc không đủ điều kiện thi hành án mà một trong những lý do là tài sản bị tẩu tán. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bà Trang đồng tình sự cần thiết quy định về BPKCTT trước khi khởi kiện nhưng trước mắt chỉ nên áp dụng đối với quyền tài sản. Đến thời điểm thích hợp ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo nên tổng kết khảo sát lại thực tiễn. 

Đọc thêm