Theo báo cáo của Cục THADS Nghệ An, tổng số việc phải thụ lý là 10.795 việc, tăng 712 việc (7%) so với cùng kỳ năm 2016, trong đó năm trước chuyển sang 3.886 việc, thụ lý mới 6.929 việc. Đã ủy thác thi hành 52 việc, đã thi hành xong 5.535 việc/8.539 việc có điều kiện thi hành (đạt 65%), tăng 741 việc và 5% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả thi hành án về tiền, đã thi hành được hơn 91 tỷ đồng đạt 15%, tăng hơn 52 tỷ đồng (6%) so với cùng kỳ 2016.
Đã thi hành xong 4.663 việc/6.287 việc có điều kiện thi hành đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước tương ứng với trên 13 tỷ đồng trên tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng, đạt 41%. Cũng trong 6 tháng đầu năm các cơ quan THADS đã bố trí cán bộ trực tiếp công dân tại trụ sở với 308 lượt công dân đến khiếu nại, phản ánh, trình bày nội dung liên quan đến việc THADS. Tất cả các trường hợp công dân đều được hướng dẫn, giải thích, trả lời kịp thời đúng quy định. Tiếp nhận 35 đơn thư khiếu nại, kiến nghị.... giải quyết được 7 đơn thư.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì còn rất nhiều khó khăn trong công tác THADS, bà Hoàng Thị Thu Trang, Cục trưởng Cục THADS Nghệ An cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thi hành án có kết quả chưa cao, trong đó nguyên nhân khách quan, nhóm 120 vụ việc phức tạp là liên quan đến dân tộc, tôn giáo, sự chống đối quyết liệt của đương sự, bản án chưa rõ ràng. Nhiều tài sản kê biên tài sản nhưng vẫn chưa bán đấu giá được tài sản.
Án tín dụng ngân hàng với số việc rất nhỏ nhưng số tiền rất cao, một số ngân hàng chưa thực sự phối hợp với thi hành án; một số địa chỉ không còn tồn tại, tình trạng vỡ nợ, vỡ hụi….
Cũng theo bà Hoàng Thị Thu Trang, khâu xác minh điều kiện thi hành án là khâu khó khăn nhất, quan trọng nhất trong việc thi hành án. Việc cưỡng chế thi hành án cũng khó khăn và không thực hiện được nếu như không có sự phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi đã được đại diện Cục THADS Nghệ An giải đáp.
Còn tại cuộc họp báo công bố về tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2017, Cục THADS Hà Tĩnh cho biết, Cục đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã xây dựng trong kế hoạch; giao chỉ tiêu cho các đơn vị cao hơn nhiều so với chỉ tiêu Tổng cục giao, trung bình mỗi đơn vị thi hành xong 91% về việc, 54,6% về tiền, giảm án chuyển kỳ sau về việc 10%, về tiền 8%.
Tổng số việc phải thi hành là 2.729 việc, tăng 222 việc, 9,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó có điều kiện thi hành 2.165 việc. Kết quả đã thi hành được 1.650 việc, đạt tỉ lệ 76,2% (chỉ tiêu giao là 74%); kết quả này đạt cao hơn 133 việc và cao hơn 8,8% so với cùng kỳ năm 2016. Về tiền, đã giải quyết được 39.719.213.000 đồng, đạt tỉ lệ 15,5%; kết quả này cao hơn 23,6 tỷ đồng và cao hơn 10,6% so với cùng kỳ năm 2016. So với chỉ tiêu được giao còn thiếu 18,5% (chỉ tiêu giao về tiền là 34%).
Trong số việc, tiền đã thi hành nói trên, các cơ quan THADS Hà Tĩnh đã tổ chức cưỡng chế 15 trường hợp (có 5 trường hợp huy động lực lượng); thu ngân sách nhà nước 3,7 tỷ. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan THADS Hà Tĩnh đã sớm thi hành vượt chỉ tiêu được giao về việc 2,2%; kết quả thi hành án về tiền đạt 45,5% so với chỉ tiêu được giao.
Với chủ trương “hướng về cơ sở”, lãnh đạo Cục THADS Hà Tĩnh đã chỉ đạo các chấp hành viên của Cục tăng cường bám sát địa bàn để cùng các Chi cục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với những đơn vị hiện nay kết quả đang còn đạt thấp. Lãnh đạo Cục tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án đối với những vụ việc trọng điểm, phức tạp, vì thế đã đem lại nhiều kết quả cao.
Ngoài một số khó khăn, tồn tại về mặt chủ quan thì những khó khăn về mặt khách quan ảnh hưởng rất lớn đến công tác THADS như: sự cố môi trường ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, án “nợ xấu” của ngân hàng tăng nhanh (chiếm gần 80% số tiền có điều kiện thi hành) chủ yếu ở Khu kinh tế Vũng Áng.
“Thực trạng khi thụ lý giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều có giá trị phải thi hành rất lớn; nhưng khi cơ quan THADS tiến hành kê biên tài sản cầm cố, thế chấp để đưa ra thẩm định giá thì thực chất giá trị tài sản rất thấp so với lúc cho vay, chưa tính quá trình bán đấu giá còn phải giảm giá nhiều lần.
Ví dụ như ở Hà Tĩnh, tài sản trong vụ Công ty Hóa Cốc định giá ban đầu 31 tỷ đồng/180 tỷ đồng; tài sản vụ Công ty Gang Thép Hà Tĩnh định giá ban đầu là 4 tỷ đồng/77 tỷ đồng. Do vậy, xử lý giải quyết các loại vụ việc này mất rất nhiều thời gian, nhưng giá trị kết quả về thi hành án rất hạn chế; dẫn đến số tiền phải thi hành còn lại không có điều kiện thi hành chiếm tỉ lệ khá cao...” - Cục trưởng Cục THADS Hà Tĩnh Nguyễn Văn Cường cho biết.
Ông Cường cho biết thêm, ở Hà Tĩnh chưa có tổ chức định giá mà chỉ có một văn phòng đại diện của một tổ chức định giá ở TP Hồ Chí Minh nên việc định giá gặp nhiều khó khăn và thường bị kéo dài thời gian. Đang còn nhiều vụ việc đương sự không có điều kiện thi hành, có tài sản nhưng không đủ để đảm bảo thi hành án. Ngoài ra, khó khăn là nhiều trường hợp đương sự bỏ đi khỏi địa phương không xác định được nơi cư trú. Pháp luật về kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao.