Khi nào có “chìa khóa” mở cửa thị trường EU?

(PLO) - Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện đang hy vọng nhiều vào Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định này được kỳ vọng sẽ ký kết vào năm 2017 với những lợi thế lớn về thương mại và đầu tư cho Việt Nam, nhưng đến nay các bên vẫn chưa thể đặt bút vì một số vấn đề về kỹ thuật.
Piaggio là một doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư ở Việt Nam hơn 10 năm, với sản phẩm xe gắn máy cao cấp
Piaggio là một doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư ở Việt Nam hơn 10 năm, với sản phẩm xe gắn máy cao cấp

Đợi làn sóng đầu tư từ EU…

Ông Gellert Horvath, đồng chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Euro cham đang nỗ lực thúc đẩy hiệp định ký kết trong năm 2018 và cố gắng có hiệu lực ngay trong năm 2019.

Theo ông Gellert, Hiệp định này cần phải đẩy mạnh ký kết sớm hơn để có thể đáp lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có xu hướng quay trở lại mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, Hiệp định này cũng sẽ thúc đẩy môi trường đầu tư, nâng cao hàng hóa xuất khẩu sang EU và quan trọng hơn, các quốc gia EU và Việt Nam khẳng định mạnh mẽ việc hướng tới tự do thương mại trên toàn cầu.  

Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khẳng định, khủng hoảng tài chính ở châu Âu đã chính thức chấm dứt, sự phục hồi kinh tế ở EU cao hơn mức kỳ vọng. Các nền kinh tế châu Âu tăng trưởng nhanh hơn với tốc độ bình quân 2%, tỷ lệ đầu tư ở châu Âu cao hơn hẳn, mức độ tăng trưởng xuất khẩu đã trải qua giai đoạn hồi phục mạnh mẽ. 

Do đó, ngài Đại sứ tin tưởng chắc chắn kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sẽ tăng đáng kể sau khi EVFTA được thực hiện. Trong đó, các ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh mạnh như dệt may, thủy sản, da giày... dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài ra, vị Đại sứ này cũng hy vọng rằng, việc thực hiện lộ trình EVFTA trước khi hiệp định có hiệu lực vào năm 2018 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư lớn hơn từ EU vào Việt Nam.

Theo các số liệu thống kê, trong vòng 10 năm trở lại đây, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam - EU đã tăng gấp gần 10 lần, từ khi mới chưa đến 5 tỷ euro (vào năm 2006) đã lên đến hơn 42 tỷ euro vào năm 2016, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 33,1 tỷ euro và nhập khẩu 9,3 tỷ euro. Tuy nhiên, cộng đồng DN châu Âu đặc biệt nhấn mạnh đến giai đoạn 2012-2016 mức độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình hàng năm trên 15% cho thấy những kết quả tích cực về trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU. 

Trên cơ sở này, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam càng tin tưởng con số tăng trưởng lớn hơn nữa khi EVFTA đi vào hiện thực. Ông còn khẳng định, khi mọi điều khoản trong EVFTA được thực thi, lợi thế so sánh của Việt Nam trong khối ASEAN sẽ tăng lên. Nhiều người có thể sẽ nhìn nhận Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ASEAN.

Đây cũng là những nhận định mà ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã đưa ra. Theo ông Khanh, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, cơ hội mở cửa thị trường giữa 2 bên rất lớn, nhiều hàng rào sẽ được gỡ bỏ, cơ hội đầu tư của châu Âu vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh và châu Âu sẽ tiếp tục khẳng định vị thế Top 5 nhà  đầu tư lớn nhất  Việt Nam. 

EVFTA sẽ được ký kết trong mùa hè 2018?

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Café Việt Nam cho rằng, EVFTA bao gồm cả cơ hội và thách thức nhưng “thách thức thì nhiều, rất nhiều” chẳng hạn như rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định, dù nhìn thấy rất nhiều trở ngại nhưng ngành Café Việt đã chuẩn bị rất nhiều để đợi EVFTA. 

Hầu như đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều hiệp hội, ngành hàng khác cũng như các nhà quản lý Việt Nam. Bởi EVFTA có thể bổ sung khoảng 2,5% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2020 và 4,6% vào năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng hàng chục phần trăm, từ đó làm tăng thu nhập thực tế và tạo ra nhiều việc làm mới. 

 Do đó, một trong những băn khoăn của các bên liên quan đến EVFTA là thời hạn tiến hành ký kết. Theo những công bố trước đây, EVFTA sẽ được ký kết trong năm 2017 nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn đang mong sớm có “chìa khóa” để mở cửa thị trường EU. Vậy, tiến trình ký kết EVFTA sẽ được thực hiện như thế nào? 

Xung quanh vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đã hoàn tất quá trình rà soát pháp lý phức tạp của EVFTA. Mỗi vấn đề thuần túy về kỹ thuật cần phải trao đổi thêm nhưng chắc chắn sẽ hoàn thành trước mùa hè để tiến tới ký kết. Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng hy vọng EVFTA sẽ sớm được ký kết, có thể ngay trong mùa hè năm nay. 

Ngành nào hưởng lợi khi EVFTA được thực hiện?

“Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tin tưởng chắc chắn kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sẽ tăng đáng kể sau khi EVFTA được thực hiện. Trong đó, các ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh mạnh như dệt may, thủy sản, da giày... dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài ra, vị đại sứ này cũng hy vọng rằng, việc thực hiện lộ trình EVFTA trước khi hiệp định có hiệu lực vào năm 2018 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư lớn hơn từ EU vào Việt Nam”.

Đọc thêm