Khi nào phải nộp điện thoại cho cơ quan công an?

(PLVN) - Cơ quan công an được quyền kiểm tra điện thoại của công dân. Nhưng việc kiểm tra điện thoại của người dân phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định, cụ thể là theo Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Sau khi mạng xã hội lan truyền clip 8 phút, ghi lại cảnh riêng tư của một nữ MC truyền hình, có nguồn tin cho rằng chủ nhân của clip đó cho biết trước khi clip bị lộ, chị và nhóm bạn bị Công an phường kiểm tra hành chính, thu hết điện thoại và yêu cầu đọc mật khẩu điện thoại để tiến hành xác minh.

Bỏ qua việc tìm người tung clip đó lên mạng xã hội, bạn đọc báo PLVN hỏi: Khi nào người dân phải nộp điện thoại kèm mật khẩu cho công an? Báo PLVN đã trao đổi vấn đề này với Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám Đốc, Hãng luật TGS – (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

- Thưa luật sư, trong câu chuyện một nữ MC đài truyền hình bị tung clip nhạy cảm lên mạng xã hội, chủ nhân của clip này có kể trước đó một vài hôm, chị và nhóm bạn tụ tập và bị công an kiểm tra hành chính bởi lý do vi phạm quy định phòng chống dịch. Trong thời điểm đó, một cán bộ công an đã yêu cầu cả nhóm phải nộp điện thoại và mật khẩu điện thoại. Vậy xin hỏi luật sư, trong trường hợp này, việc thu giữ điện thoại nếu đúng như lời MC kể thì có đúng quy định pháp luật hay không? Nếu lời khai của nữ MC là đúng thì cán bộ Công an sẽ bị xử lý ra sao?

- Nếu đúng như thông tin nữ MC và nhóm bạn bị thu giữ điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu trong trường hợp tụ tập, vi phạm quy định phòng chống dịch, tôi xin khẳng định là không cần thiết.

Hành vi của những người này là vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh với những dấu hiệu như: số lượng người tụ tập; không thực hiện đúng quy định về khoảng cách; không đeo khẩu trang; hoặc địa điểm tụ tập,... Các thông tin trong điện thoại không có ý nghĩa hay tác dụng gì trong việc xử lý vi phạm hành chính này cả.

Về hành vi của người thu điện thoại, nếu đúng như lời khai của nạn nhân: Khi có kết quả điều tra, việc clip riêng tư của nữ MC bị tung lên mạng đúng là do phía Công an thu giữ trái phép chiếc điện thoại thì người thu giữ, tung clip đó lên mạng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành chính, thậm chí là hình sự.

Người vi phạm có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính theo Điểm b, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức xử phạt 10-20 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ các thông tin dâm ô, đồi trụy. Với mức độ phổ biến cao như trường hợp này thì thậm chí người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo quy định tại Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.

Trường hợp cố ý đăng các clip nhạy cảm lên nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nữ diễn viên thì đối tượng phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Người phạm tội còn phải chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, riêng với lực lượng Công an thì trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an mà phạm tội thì sẽ bị loại ra khỏi ngành vĩnh viễn.

- Luật pháp có quy định trong những trường hợp nào, cơ quan chức năng được khám xét điện thoại thông minh - vốn được bảo mật cao?

- Đối với lĩnh vực xử lý các vi phạm hành chính thì Cơ quan công an có thể khám xét, kiểm tra điện thoại của người dân trong một vài trường hợp cụ thể như tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc khám xét khi cho rằng trong đồ vật có chứa, cất giấu tang vật vi phạm.

Theo quy định tại Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung 2020) quy định thì Cơ quan công an có thẩm quyền chỉ được khám đồ vật theo thủ tục hành chính khi có căn cứ cho rằng trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính. Khi đó, chỉ có Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền mới có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 128. Còn các cán bộ công an chỉ được khám xét trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy và cán bộ này phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và chịu trách nhiệm về việc khám.

Khi khám đồ vật phải có mặt chủ đồ vật và 1 người chứng kiến; trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có 2 người chứng kiến. Mọi trường hợp khám đồ vật đều phải lập biên bản. Quyết định khám và biên bản phải giao cho chủ đồ vật 1 bản theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 128.

- Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự nhưng chủ nhân của điện thoại không cung cấp mật khẩu thì theo pháp luật Việt Nam, có xử lý được không, thưa ông?

- Về vấn đề không cung cấp mật khẩu thiết bị điện thoại khi bị xử lý hình sự, theo quan điểm của tố tụng hình sự tại nước ta, việc chứng minh tội phạm phải thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh cho hành vi phạm tội của mình.

Pháp luật cũng không hề có quy định nào bắt buộc người phạm tội phải cung cấp mật khẩu thiết bị điện thoại hay xử phạt với hành vi không phối hợp điều tra này. Khi người bị buộc tội không cung cấp mật khẩu thiết bị điện thoại, cơ quan điều tra cần phải có các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm mở khóa chiếc điện thoại đó. Nếu chứng minh được về việc có hành vi phạm tội thì người bị phạm tội sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là khai báo thành khẩn quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

- Xin ông cho biết, người dân sẽ làm gì nếu đột nhiên bị Công an yêu cầu kiểm tra điện thoại di động?

- Việc cơ quan công an yêu cầu kiểm tra điện thoại di động của người dân là điều được pháp luật cho phép. Nhưng việc kiểm tra điện thoại của người dân phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định, cụ thể là theo Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã nêu ở trên.

Vì vậy, nếu người dân đột nhiên bị Công an yêu cầu kiểm tra điện thoại di động thì người dân có thể yêu cầu cán bộ xuất trình giấy tờ làm căn cứ như lệnh khám xét, quyết định tạm giữ tang vật của thủ trưởng cơ quan công an như trưởng công an phường, trưởng công an huyện, trưởng phòng CSGT, trưởng phòng cảnh sát trật tự... để xác định được mình có thuộc trường hợp cần phải kiểm tra điện thoại di động không, hoặc nếu cán bộ Công an vẫn thực hiện thu giữ, khám xét thì cần phải lập thành Biên bản hợp lệ, và phải chứng kiến quá trình khám xét các nội dung trong điện thoại của mình.

Đọc thêm