Khi ngân hàng tìm đến doanh nghiệp...

Không chỉ hạ lãi suất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), không ít ngân hàng (NH), bằng nhiều cách đã tiếp cận DN như một sự đồng hành…

Không chỉ hạ lãi suất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), không ít ngân hàng (NH), bằng nhiều cách đã tiếp cận DN như một sự đồng hành…
NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa phối hợp với Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012: Dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các DN xuất nhập khẩu”.  Mặc dù chính phủ đã có nhiều giải pháp thảo gỡ khó khăn cho DN song nhận định chung tại Hội thảo thì thiếu vốn, lãi suất cho vay của các NH vẫn ở mức cao, khan hiếm ngoại tệ, biến động tỷ giá vẫn đang là những khó khăn hiện hữu của DN, nhất là DN xuất nhập khẩu. 
Tại Hội thảo này, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cho DN, như đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh xuất -nhập khẩu, chủ động các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, khai thác tốt nguồn lực tài chính, quan hệ và kinh nghiệm thị trường của Việt kiều cho hoạt động xuất khẩu, tái cấu trúc DN, nâng cấp khả năng quản trị thông minh…
Thiết thực hơn, SeABank đã công bố Chương trình ưu đãi đặc biệt cho DN xuất nhập khẩu như: giảm 30% phí thanh toán cho khách hàng DN nhập khẩu; giảm 1,5% lãi suất vay so với biểu lãi suất hiện hành cho DN  xuất khẩu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh, mức giảm trừ này sẽ được áp dụng cho đến hết thời hạn khoản vay của khách hàng; giảm 50% phí chuyển tiền trong nước khi DN xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử của SeABank (SeANet); tỷ lệ ký quỹ mở L/C thấp và linh hoạt…
Chương trình này triển khai trong vòng 3 tháng (từ 1/11/2011 đến 31/01/2012) song theo bà Nguyễn Thị Hương Giang – Phó TGĐ SeABank thì đây là chương trình trọng điểm của NH để tiến gần hơn nữa tới mục tiêu là NH bán lẻ thân thiện, đồng hành cùng DN Việt.
Trước đó, NH TMCP Quâu đội (MB) cũng phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức một hội thảo tương tự với chủ đề “Giải pháp tài chính cho DN Việt Nam thời khủng hoảng”.
Tại Hội thảo này, các chuyên gia cũng dặc biệt lưu ý DN cần phải chủ động chuẩn bị để đối phó với các “cú sốc” về tài chính. Đó là: sốc giá; sốc do mất cân đối toàn cầu; dịch chuyển vốn nhanh, lớn; áp dụng các hàng rào bảo hộ kỹ thuật; sốc do chính sách… bằng cách học hỏi, chuẩn bị và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động giá, tỷ giá như: thanh toán kỳ hạn, các công cụ phái sinh.
Nhận thức và đảm bảo yêu cầu các hàng rào bảo hộ kỹ thuật tại các thị trường phát triển; hiểu biết cơ chế, quy trình giải quyết tranh chấp trên thị trường tài chính….
MB đã giới thiệu các gói sản phẩm quản lý tài chính hiện đại như: sản phẩm cơ cấu tài chính DN (tư vấn phát hành trái phiếu DN, mua bán giấy tờ có giá); quản trị rủi ro tài chính (giao dịch ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ).., góp phần giải quyết bài toán làm thế nào để quản trị DN hiệu quả, giúp DN quản lý dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá…
NH NN&PTN (Agribank) và Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa) mới đây cũng ký thỏa thuận cung cấp tín dụng niên vụ cà phê 2011-2012. Theo đó, Agribank cung cấp ít nhất 5.000 tỷ đồng cho việc mua, chế biến xuất khẩu cà phê của các DN với lãi suất hợp lý.
Trước đó ít ngày, NH TMCP Kỹ thương (Techcombank) cũng cam kết dành nguồn vốn lên đến 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để tài trợ cho DN cà phê niên vụ 2011/12.
Không chỉ dành nguồn vốn ưu đãi, các NH này đề cam kết hỗ trợ toàn diện cho DN thông qua tương tác, trao đổi thông tin thị trường, xu hướng giá cà phê nội địa và thế giới, thị trường tiền tệ và lãi suất, các quy định, chính sách của nhà nước và dự đoán về triển vọng ngành…
Thanh Thanh 

Đọc thêm