Khi người trẻ chung tay góp sức số hóa di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ với nhiệt huyết và đam mê đã thực hiện nhiều dự án phục dựng, số hóa di sản, góp sức dùng công nghệ 4.0 để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Ngôi nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên nền tảng số hóa.
Ngôi nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên nền tảng số hóa.

Số hóa di sản của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tin vui mới đây cho người yêu nhạc Trịnh và yêu mến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là căn nhà của cố nhạc sĩ đã được số hóa thành công. Ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, TP HCM từ lâu đã được xem như một di sản để những người yêu nhạc Trịnh đến chiêm ngưỡng, thăm quan và thắp hương tưởng nhớ cố nhạc sĩ. Tuy nhiên, theo gia đình Trịnh Công Sơn, có những người mến mộ nhạc sĩ nhưng ở rất xa, thậm chí ở nước ngoài nên khó đến thăm được, đặc biệt vào thời điểm giỗ Trịnh Công Sơn hàng năm. Chính vì thế, từ nhiều năm nay gia đình cố nhạc sĩ đã nghĩ đến phương thức đưa ngôi nhà lên mạng. Mới đây, một nhóm bạn trẻ nhiệt huyết đã thành công trong việc số hóa ngôi nhà.

Dự án số hóa ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch do nhóm 3 bạn trẻ thực hiện, bắt đầu từ cuối năm 2022. Để thực hiện dự án, các bạn trẻ không đơn thuần là số hóa bằng kĩ thuật mà phải bắt tay vào xem xét, tìm hiểu từng kỉ vật, lắng nghe từng câu chuyện liên quan đến đời sống cố nhạc sĩ. Những chi tiết nhỏ của đồ vật, từng góc ngôi nhà, tán cây cũng mang những câu chuyện cụ thể về đời sống, sinh hoạt, sáng tác của Trịnh Công Sơn. Sau đó, nhóm đã thực hiện việc scan 3D, đưa lên mạng, lồng tiếng giới thiệu tiểu sử nhạc sĩ.

Mặc dù mới được thực hiện, trang web số hóa ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch nhanh chóng nhận được lượng truy cập lớn. Hà Tâm, một bạn trẻ thường hát dòng nhạc Trịnh tại các quán cà phê âm nhạc tại Hà Nội cho biết, dù thường xuyên hát nhạc Trịnh và hâm mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng Tâm chưa có dịp đến thăm ngôi nhà của cố nhạc sĩ. Vì thế, ngay sau khi dự án số hóa hoàn thành, Hà Tâm đã nhanh chóng truy cập đường link để chiêm ngưỡng căn nhà qua không gian mạng. Hà Tâm cho biết: “Em thấy rất vui và xúc động khi được ngắm căn nhà giữ nguyên vẻ cổ kính, với tàng cây xanh mát, bộ bàn ghế nơi nhạc sĩ ngồi sáng tác, chiếc xe máy cũ, những bức tranh trên tường... Tất cả làm cho người xem như được sống trong không gian ấy, cảm thấy hiểu hơn về cuộc sống của cố nhạc sĩ. Hy vọng sẽ có nhiều dự án số hóa những di sản của các nghệ sĩ gạo cội, danh tiếng để người hâm mộ được thỏa lòng”.

Lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc

Những năm gần đây có không ít dự án số hóa di sản văn hóa được các bạn trẻ thực hiện với sự nhiệt tình, tự nguyện, xuất phát từ đam mê và trách nhiệm với di sản dân tộc.

Sự kiện “Bắc nhịp Tang bồng” mới diễn ra tại Hà Nội đã thu hút giới trẻ yêu nghệ thuật. Sự kiện do các bạn trẻ yêu thích văn hóa dân tộc khởi xướng, tạo ra không gian trải nghiệm mang đậm màu sắc dân gian với các sáng tác mới được lấy cảm hứng từ nghệ thuật ca trù, tuồng, chèo, múa rối nước, tranh dân gian Hàng Trống... Chương trình thông qua ứng dụng công nghệ để tiếp cận người xem, đặc biệt là người trẻ.

Hay như những hoạt động chuyển đổi số do Đoàn thanh niên TP Đà Nẵng đang thực hiện thời gian qua. Các tổ chức, cơ sở Đoàn đã tiến hành nghiên cứu, thu thập tư liệu về các di tích, các địa điểm văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, sau đó xây dựng các clip giới thiệu, gắn mã QR code có chứa thông tin về địa điểm nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu của người dân và đoàn viên, thanh, thiếu nhi.

Mạng xã hội hiện nay cũng xuất hiện nhiều nhóm bạn trẻ say mê các giá trị cổ truyền của dân tộc và thực hiện việc bảo tồn theo cách riêng. Bằng những hoạt động vẽ, thiết kế, sáng tác âm nhạc, kể chuyện... một số bạn thông qua mạng xã hội để thành lập nhóm, kêu gọi những người cùng chung mong muốn. Có thể kể đến những nhóm đang hoạt động mạnh mẽ những năm qua, thu hút hàng chục ngàn người yêu thích, như Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Đình làng Việt, Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, Đại Việt Cổ phong, S.River... Mỗi một nhóm hướng sự quan tâm đến một lĩnh vực, như trang phục dân tộc, nghệ thuật biểu diễn cổ truyền, kiến trúc dân gian... và sưu tầm các thông tin, tái hiện lại trên mạng. Các nhóm này thu hút đông đảo thành viên tham gia, tìm hiểu, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi gợi tình yêu đối với những di sản của tiền nhân.

Cứ như thế, bằng việc xây dựng website, group, kênh mạng, dùng hình ảnh, âm thanh, dùng cách thức tham quan trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, đồ họa 3D... những người trẻ đã dùng chính năng lực của mình để tham gia vào công cuộc số hóa di sản. Những dự án do chính tay người trẻ thực hiện được đánh giá dễ dàng được người trẻ tiếp nhận do có “cùng tần số”.

Có thể nói, người trẻ ngày nay nắm trong tay rất nhiều công cụ hữu ích mang sức mạnh của công nghệ và góp sức vào công cuộc bảo tồn di sản dân tộc. Hy vọng những hành động thiết thực ấy sẽ ngày một nhân rộng, ngày một tỏa lan.