Hướng đi “mở” cho các nhà sản xuất
Nhà sản xuất (NSX) FPT Play vừa cho ra mắt show Đẳng cấp thực khách, phát trên ứng dụng do chính đơn vị này sản xuất. Theo kế hoạch, NSX này sẽ tiếp tục phát triển nhiều game show trong thời gian tới. MCV có ứng dụng Netlove, phát nhiều show do đơn vị này sản xuất như: Thực khách bá đạo, Bước ra ánh sáng, Sống thật… Các chương trình trên cũng được phát trên YouTube.
Trong khi đó, NSX Perfect Universe phát Tỏ tình hoàn mỹ, Lớp học hoàn mỹ trên YouTube. Sàn đấu game thủ là game show đầu tiên dành cho game thủ, phát trên ứng dụng POPS. Muốn ăn phải lăn vào bếp là chương trình cũng do POPS kết hợp với Trường Giang sản xuất, phát trên YouTube.
Trước đây, game show thường được phát trên sóng truyền hình. Các khung giờ dành cho đối tượng này cũng bị giới hạn. Số kênh thu hút lượng người xem lớn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như: VTV3, HTV7, THVL1. Hầu hết NSX đều mong có được khung giờ đẹp, chủ yếu vào cuối tuần, để thu hút người xem. Vì thế, tình trạng xếp hàng, chờ đợi liên tục diễn ra. Có show đã sản xuất, phải chờ đến vài tháng mới được lên sóng là chuyện bình thường.
Hiện, cách thức phát hành mới giúp một số NSX thoát khỏi sự bất tiện này. Ngoài ra, không gian số còn tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất tiếp cận khán giả với phạm vi rộng, không bị giới hạn không gian. Không những phát chương trình do chính mình sản xuất, họ còn hướng tới việc sẽ kết hợp với các đơn vị sản xuất khác để phát sóng nhiều chương trình khác, nhằm đa dạng hóa nguồn sản phẩm phục vụ khán giả.
Bà Thạch Thị Kim Ngân (Giám đốc sản xuất chương trình Đẳng cấp thực khách) chia sẻ: “Phát sóng trên nền tảng trực tuyến sẽ ngày càng phát triển, chiếm ưu thế. Đó là tương lai có thể nhìn thấy được. Chúng tôi chủ động được khung giờ, lịch phát. Ngoài ra, nền tảng cũng giúp chúng tôi xác định được chính xác khán giả, theo từng lứa tuổi, giới tính. Từ đó, chúng tôi có thể phát triển những nội dung phù hợp với đối tượng khán giả mình hướng đến”.
Hình ảnh trong show "Muốn ăn phải lăn vào bếp" |
Hai mặt của vấn đề
Ông Vũ Thành Vinh (Giám đốc Truyền thông Khang) nói, hiện khán giả ngày càng được trẻ hóa. Với thế hệ này, thiết bị di động, mạng internet trở nên quen thuộc, gần gũi hơn so với truyền hình truyền thống. Vì thế, việc các NSX lần lượt theo đuổi xu hướng mới là điều tất yếu.
Theo thống kê vào năm 2021 của Digital, Việt Nam có đến 70 triệu dân sử dụng internet. Theo Kantar TNS, trung bình người Việt Nam xem các kênh truyền hình do các nhà đài phát 2,3 tiếng/ngày (năm 1999). Hai thập niên sau, số thời gian xem các kênh hình là 2,5 tiếng, nhưng trong đó các kênh do các đài truyền hình phát chỉ còn chiếm 1,2 tiếng/ngày, thời gian trên không gian mạng là 1,3 tiếng/ngày.
Google cũng nhận định xu hướng xem video YouTube trên ti vi kết nối mạng của người Việt tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những con số biết nói này hoàn toàn là căn cứ để các đơn vị ngày càng phát triển các show trên môi trường số.
Tuy nhiên, ông Vũ Thành Vinh cũng chỉ ra một số lo ngại, trăn trở xoay quanh hình thức phát hành này. Trước nhất, nội dung giải trí trên môi trường số hiện tại rất nhiều và đa dạng. Vì thế, khi hòa vào dòng chảy này, buộc NSX phải chạy theo xu hướng để thu hút sự chú ý của người xem. “Xu hướng trên môi trường số rất khó nói được. Chưa chắc nội dung hay khán giả đã thích”, ông Vinh nói.
Việc tăng tính hài hước là phương án dễ dàng được lựa chọn. Nhưng điều này cũng khiến nội dung bị xem nhẹ, dễ dãi hơn. Khán giả được đặt vào vị trí chủ động hơn. Không giống như ti vi, người xem chỉ có thể xem từ đầu đến cuối, nhưng với chương trình phát trên môi trường số, khán giả thường có xu hướng lướt nhanh hơn, và chỉ xem những gì họ thích. Vì thế, nội dung NSX truyền tải có thể không đến được với khán giả trọn vẹn.
Với những chương trình này, kiểm duyệt nội dung vẫn là vấn đề gây băn khoăn. Thực tế, việc kiểm soát nội dung phát trên môi trường số vẫn chưa có giải pháp rốt ráo tại Việt Nam, vì luật chưa quy định chặt chẽ. Bà Thạch Thị Kim Ngân chia sẻ: “Về nội dung, chúng tôi vẫn có kiểm duyệt nhằm đảm bảo khi phát sóng phải phù hợp, văn minh như khi phát truyền hình. Không có việc chương trình phát trên YouTube, mạng thì nội dung sao cũng được”.
Nhưng thực tế cũng có một số trường hợp đã xảy ra và đáng lưu tâm. Đơn cử như chương trình Tỏ tình hoàn mỹ, dính hàng loạt scandal: nam chính nghi vấn có bạn gái vẫn lên show hẹn hò; Phạm Đình Thái Ngân bị chỉ trích vì dùng nụ hôn để thử tình cảm của bạn chơi nữ… gây ồn ào trong dư luận. Trước đây, cũng từng có một số vụ NSX khi phát lại chương trình trên YouTube lại giữ những tình tiết, phát ngôn sốc (vốn đã được cắt gọt trước khi lên sóng) để gây chú ý, câu view.
Đây là xu hướng phát triển tất yếu. Trách nhiệm, tầm nhìn của NSX buộc phải được đặt ở vị trí hàng đầu. Ông Bửu Điền (NSX Điền Quân) cho rằng nền tảng phát có thể khác nhau, nhưng việc sản xuất nội dung, tính thẩm mỹ luôn phải được cân nhắc kỹ lưỡng, với mục tiêu đặt lợi ích của khán giả lên hàng đầu. Cơ chế luật cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo thúc đẩy sự phát triển lành mạnh.