Khi phụ huynh không... thông minh hơn học sinh tiểu học

(PLO) - Những ngày qua, bài toán được một phụ huynh đăng tải trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ với câu hỏi: “Cô sai hay trò sai?” đang khiến các mẹ tranh cãi nảy lửa. Diễn đàn lập tức sôi sục tranh luận khi cho rằng giáo viên đã cho điểm oan học sinh này. Thực tế, việc phụ huynh “đánh vật” với bài vở của con ngay từ lớp 1 không là chuyện hiếm...
Học sinh học mướt mải từ... tiểu học.

“Bó tay” từ toán lớp 1

Quá khó nhằn với toán “cao siêu” ngay từ lớp... 1, phụ huynh thông thái đã có những topic trên các diễn đàn được mở ra với mục đích… giải hộ nhau toán tiểu học. Những bài toán hóc búa được đưa lên nhờ vả ở đủ mọi dạng. Từ toán lớp 3 có đề bài với yêu cầu không đặt ẩn: “Cô giáo có một số kẹo, nếu chia cho mỗi bạn 2 cái thì còn dư 17 cái, nhưng nếu cô chia cho mỗi bạn 5 cái thì còn thiếu 4 cái. Hỏi cô giáo có bao nhiêu cái kẹo?”, đến toán lớp 4 “Tủ sách thư viện trường em có hai ngăn: Ngăn thứ nhất có số sách bằng 2/3 số sách thứ hai. Nếu xếp thêm vào ngăn thứ nhất 80 cuốn và ngăn thứ hai 40 cuốn thì số sách ngăn thứ nhất bằng 3/4 số sách ngăn thứ hai. Hỏi ban đầu mỗi ngăn tủ có bao nhiêu cuốn sách?

Và được trưng cầu ý kiến nhiều nhất là toán lớp 5. Có bài như “Giảm 20% thì được một số A. Hỏi phải tăng số A bao nhiêu % để được số ban đầu”. Khó nữa thì “Có 6 bạn thi giải toán, mỗi người phải làm 5 bài. Mỗi bài đúng được 3 điểm, mỗi bài sai hoặc không làm được đều bị trừ 1 điểm. Nếu số điểm bị trừ nhiều hơn số điểm đạt được thì bài đó bị coi là 0 điểm. Có thể chắc chắn ít nhất 2 bạn có số điểm bằng nhau được không? Tại sao?”… 

Về bài toán đang được tranh cãi nảy lửa, có đề bài như sau:

Tính nhanh: 66 – 6 + 7 + 23 -18 + 2

Đáp án học sinh này đưa ra là 74 nếu cứ cộng trừ lần lượt từ trái qua phải. Tuy nhiên, theo phần sửa được cho là của giáo viên khi cộng trừ ghép các cụm số vào với nhau để có kết quả tròn (phù hợp với yêu cầu tính nhanh của bài toán) thì kết quả sẽ ra 70.

Sau chưa đầy 1 tiếng đăng tải, bài toán đã nhận được gần 500 bình luận tranh cãi. Một số phụ huynh cho rằng, cách cộng trừ theo cụm để có kết quả tròn như phương án bút đỏ sẽ đảm bảo yêu cầu “tính nhanh” của bài toán, nhưng lẽ ra kết quả này cũng phải trùng với kết quả theo cách tính bình thường. 

Một đề toán khác như sau: “Bác Nam mua một con bò với giá 13 triệu. Sau đó bác bán con bò đó với giá 15 triệu. Nhưng vì tiếc con bò nên bác Nam đã đến mua lại con bò nhưng người kia đòi bán với giá 17 triệu. Vậy là bác Nam đã mua lại con bò với giá 17 triệu, sau đó bác Nam lại đem bán con bò với giá 19 triệu. Hỏi cuối cùng bác Nam lãi bao nhiêu tiền?”. Có 4 lựa chọn: 4 triệu, hòa vốn, 2 triệu và -2 triệu

Với đáp án là bác Nam lãi 4 triệu, con của vị phụ huynh này bị cô giáo cho điểm 0 với lời nhận xét: “Em cần xem lại kiến thức”. Ấm ức khi cho rằng con mình đưa ra đáp án bác Nam lãi 4 triệu là đúng, vị phụ huynh này đưa bài toán lên một diễn đàn để hỏi ý kiến.

Và bài toán lớp 3 lại gây ra nhiều tranh cãi khác nhau khi có đến hơn 700 bình luận, đưa ra 3 đáp án và theo lập luận thì xem ra đáp án nào cũng… có lý. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng bác Nam chỉ lãi 2 triệu thôi, vì lúc đầu bác mua 13 triệu, bán 15 triệu, bác lãi 2 triệu. Sau mua lại 17 triệu, mất lãi. Rồi cuối cùng bán 19 triệu. Vì vậy tổng lãi còn lại 2 triệu.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải - giáo viên Trường Tiểu học Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An cho biết, kết quả là 4 triệu. Cô lý giải, lúc đầu bác Nam mua 13, bán 15 nên lãi 2 triệu. Bác lại mua lại 17, như vậy so với giá ban đầu, phải bù 4 triệu nhưng đã lãi 2 nên còn phải vay 2 triệu. Sau đó, bác bán 19 triệu, tạm lãi 2, đủ trả tiền vay. Bác sở hữu 17 triệu, sau khi trừ vốn 13 triệu ban đầu, cuối cùng bác lãi 4 triệu.

Nhiều cô giáo Tiểu học cũng chung quan điểm với cô Hải rằng, môn Toán khó, nhiều bài đánh đố học trò. Lớp 1 đến lớp 3 còn đỡ chứ đến lớp 4, 5 thì lượng kiến thức rất nặng. Vừa nặng, nhiều, lại ôm đồm. Nhiều kiến thức toán ở lớp 5 lồng ghép các kiến thức của môn Vật lý lớp 10. Nhiều kiến thức về phân số, quy đồng mẫu số… của lớp 5, lớp 6 cũng quá nặng nề với học sinh lứa tuổi này.

Khó, “ cao siêu” thế để làm gì?

Chị Thu Phương một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ, nhà tôi có cháu học lớp 1, hôm con có bài toán đếm số hình tam giác, 14 tam giác nhằng nhịt vào nhau, mẹ đếm ra một kết quả, con đếm một kết quả, bố giải thích mãi và đếm đi đếm lại cho con hiểu và chỉ phương pháp đếm. Hỏi con cô có dạy con đếm thế không, nó nói cô không dạy chỉ bảo đếm hình nào có 3 cạnh là hình tam giác.

Ở phần Tiếng Việt, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng từng chia sẻ hình ảnh bài tập tiếng việt lớp 3 vô cùng hại não của cháu mình. Cụ thể, trong câu 2 “Viết những chữ và tên chữ còn thiếu trong bảng sau”. Học sinh phải viết chữ và tên chữ bằng cách viết theo cách đánh vần. Chữ “n” sẽ được viết phiên âm là “en-nờ”, chữ “ng” thông thường được đọc là “ngờ” sẽ viết tên chữ là “en-nờ giê”... Anh cho biết: Thú thật là thằng cháu mình nó siêu đẳng hơn mình nữa. Hắn mang tập lên hỏi chữ “q” tên là gì, mình đớ người không biết nên trả lời là “quy”, “quờ” hay “cuy” nữa!

Tuy nhiên, ở góc độ khác một phụ huynh “tố” kiểu thành tích trong việc ôn thi: “Tôi có con gái đang học lớp 4. Kỳ thi học kỳ năm nay, khi được bố mẹ hỏi về học để chuẩn bị thi như thế nào thì cháu có nói được cô giáo phân công làm đề cương môn khoa học, 1 bạn khác làm đề cương môn lịch sử... Các môn đều như vậy, những môn không phải học thuộc như toán thì lại ra các dạng đề gần với bài thi để học sinh luyện trước cả tuần. Sau khi hoàn thành đề cương, cô giáo sẽ đem photo cho mỗi thành viên trong lớp một bản để chép khi làm bài thi. Những năm trước thì cháu chỉ nói có môn văn là cô đọc cho cả lớp chép và về học thuộc, tôi nghĩ dù sao cũng phải học thuộc nên không có ý kiến. Nhưng với kiểu là của năm nay, tôi thấy đây là phương pháp không thể chấp nhận được. Bệnh thành tích này sẽ làm các cháu học cách đối phó, gian lận ngay từ khi còn nhỏ, không tốt cho phát triển nhân cách về sau”.

Phần đa phụ huynh cho rằng, học với con chỉ là những cách thức mang tính đối phó trước mắt. Về lâu dài, nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng, ngành giáo dục nhất thiết phải giảm tải khối lượng kiến thức không cần thiết của các môn học tiểu học, đặc biệt là môn Toán. Thay vào đó, cần tăng các tiết học kỹ năng, thực hành thiết thực với lứa tuổi của trẻ hơn là những kiến thức “cao siêu” chẳng để làm gì!

Và phụ huynh cũng không vì có tâm lý ăn thua, muốn con điểm cao để khỏi thua kém bạn bè mà làm bài hộ con, chẳng những không giúp trẻ học khá hơn mà còn khiến trẻ bị hổng kiến thức khi có thể bỏ qua việc tư duy, tìm hiểu cách làm mà vẫn có điểm tốt. Mặt khác, điều này dẫn tạo cho trẻ tâm lý ỷ lại, và coi trọng điểm số hơn bản thân việc học. Nên chấp nhận việc bé có điểm số không như mong muốn trong một thời gian, vẫn khuyến khích động viên vì đó là điểm thực chất của bé, và khen ngợi khi có tiến bộ dù nhỏ. 

Có thể nói, những bài tập, kiểm tra tiểu học oái oăm được đăng tải liên tiếp trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua, tất cả chỉ sau vài giờ đồng hồ đăng tải  đã “hút” hàng ngàn lượt xem và bình luận đã cho thấy “sức nóng” của nó cũng như sức ảnh hưởng của những vấn đề giáo dục. Những vấn đề tưởng nhỏ nhưng nhìn một cách tổng thể giống như những “vết sạn” đã phần nào phản ánh những lỗ hổng, thiếu sót vẫn đang tồn tại trong hệ thống giáo dục nước ta, hãy để các em “học thật”, chứ không phải ôm đồm thành tích...

Đọc thêm