Khi taxi “móc túi” quá đáng người tiêu dùng

(PLO) - Dù giá xăng, dầu có giảm hay không thì giá cước taxi vẫn luôn ở ngưỡng khó chấp nhận với đời sống của người dân.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Nghịch lý kỳ lạ: đi máy bay còn rẻ hơn taxi?
Hiện nay, chỉ cần đặt trước vé máy bay khoảng một tháng, hành khách đã có thể cầm trong tay một tấm vé khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng cho một chặng bay nội địa. Nhưng chỉ cần di chuyển hơn 100km, người tiêu dùng đã phải trả đến tiền triệu cho taxi. 
Đơn cử như trường hợp của bác Nguyễn Ngân Lan (Đông Tác, Hà Nội), trong một lần đi du lịch tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, bác Lan bị đau bụng dữ dội. Nghi ngờ bệnh cũ tái phát, bác gọi gấp một taxi để về Hà Nội. Từ Sầm Sơn, Thanh Hóa về trung tâm Hà Nội mất khoảng 170km nhưng bác Lan phải trả cho taxi hơn 2 triệu đồng. Dù máy bay, tàu hỏa là những phương tiện di chuyển đông hành khách hơn, nhưng với giá vé chênh lệch nhiều như vậy, phải chăng taxi đã và đang “móc túi” người tiêu dùng quá đà?
Thời gian gần đây, chúng ta đều biết giá cước taxi của Việt Nam đang ở mức đắt đỏ nhất trên thế giới. Thậm chí, đi taxi ở Singapore, Thái Lan còn rẻ hơn Việt Nam: ở Bangkok là 3.800 đồng/km (6 bath), ở Manila là 5.700 đồng/km (11,93 peso), ở Jakarta là 6.300 đồng/km (4.000 Pupiah) và thậm chí là ở Singapore cũng chỉ 8.700/km (0,55 S$). 
Lý giải về nguyên nhân không giảm giá cước, các hãng vận tải thường đưa ra nhiều lý do như: chi phí nhiên liệu, khấu hao, tiền lương, bến bãi và một số chi phí khác như bảo hiểm xã hội, căn chỉnh đồng hồ… Nhưng ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đánh giá nguyên nhân chính khiến cước taxi cao do: “Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện gọi 1 cuốc taxi có tới 10 xe chạy đến. 10 xe đến chỉ phục vụ 1 người đi. Và khách hàng phải chịu chi phí cho cả 9 xe chạy dẫm tuyến còn lại”. 
Vì không có chỗ đỗ xe nên taxi phải chạy nhiều trên đường khiến chi phí tăng cao. Nếu tính chi phí đầu vào của các doanh nghiệp taxi gần như giống nhau, vấn đề còn lại quyết định đến giá thành nằm ở số ki-lô-mét hữu ích (xe có khách) nên dù xăng tăng hay giảm, người tiêu dùng vẫn phải chi trả cho sự lãng phí này. Rõ ràng, từ hành khách đến hãng xe, tài xế đều đang “chơi quá sang” cho việc di chuyển.  
Đến thời cần thay đổi cách đi taxi?
Nhìn nhận lại từ việc giá xăng dầu giảm, các hãng taxi “bắt tay” chây ì không thay đổi giá cước, đủ thấy sự cạnh tranh của các hãng taxi không dành cho người tiêu dùng. Khó có thể giải quyết được vấn đề đó trong một sớm một chiều bằng Luật Cạnh tranh hay các quy định của cơ quan chức năng. Nhưng công nghệ tiên tiến có thể cạnh tranh với sự chây ì của các hãng taxi.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Uber, Grab, Vinasun đã đưa ra Apps (ứng dụng) của mình, Mai Linh cũng đang nghiên cứu Apps riêng, nhằm mục tiêu “1 khách gọi taxi thì chỉ 1 taxi đến đón”. Nếu mô hình này trở nên phổ biến các hãng taxi truyền thống sẽ gặp áp lực lớn về giá cước. 
Không có gì lạ khi tháng 8 vừa rồi, các hãng taxi đồng loạt phản đối: cấm tài xế của mình cài đặt ứng dụng này. Lý do được các hãng xe đưa ra, đó là: “GrabTaxi đưa những xe không nhãn mác, không biển hiệu vào làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của các hãng taxi truyền thống”. Nhưng người hưởng lợi – hành khách thường không quan tâm đến các yếu tố đó, họ cần giá cước rẻ và chắc chắn sẽ chọn taxi giá rẻ. 
Sử dụng công nghệ tiên tiến là cách giảm giá thành hữu hiệu nhất cho mọi sản phẩm mà chắc chắn sớm hay muộn các hãng cung cấp dịch vụ phải thay đổi. Các chi phí không tường minh như số lượng người trực tổng đài, số lượng thanh tra, lương và bảo hiểm xã hội cho nhân viên, số lượng ki-lô-mét chạy giẫm tuyến, tiền xăng, khấu hao xe chạy dẫm... đều có thể được cắt giảm. 
Ngoài việc người tiêu dùng được hưởng lợi, công nghệ này có thể giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, đã đến lúc  thị trường vận tải cần áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa ra cách quản lý phù hợp để giá cước taxi trở về đúng giá trị thật. 

Đọc thêm