Khi “tổng” 91 đầu tiên IPO


Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) ảm đạm, việc TCty thép Việt nam (VNSteel) quyết định tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 10/6 tới đây được xem là một hành động “dũng cảm”.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) ảm đạm, việc TCty thép Việt nam (VNSteel) quyết định tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 10/6 tới đây được xem là một hành động “dũng cảm”.

Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư (NĐT) cuối tuần qua, ông Đặng Đình Hiệp, một NĐT có tiếng trên các sàn chứng khoán đã hơn một lần bày tỏ sự ngưỡng mộ về hành động dũng cảm này. Tuy nhiên, cũng như ông Hiệp, nhiều NĐT khác quan tâm đến tính hấp dẫn từ cổ phiếu của VNSteel.

Với số vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng, tổng số lượng VNSteel đưa ra bán đấu giá là 65.986.900 cổ phần (9,704% vốn điều lệ), giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần. Mức giá này, theo ông Mai Văn Tinh, Chủ tịch HĐQT VNSteel, đã được Ban chỉ đạo cổ phần hóa TCty cân nhắc kỹ dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến của TTCK, nhằm đảm bảo thành công cho cuộc đấu giá.

Được biết đến là một DN hàng đầu ngành thép VN với bề dầy 15 năm hình thành và phát triển, liệu giá thép của VNSteel có “ghi điểm”, nhất là trong bối cảnh cung hiện đang lớn hơn cầu?. Trả lời câu hỏi này, ông Tinh thừa nhận, tổng kết cuối năm 2010, cả nước có 19 nhà sản xuất thép lớn, năng lực vượt hơn 30% nhu cầu.

Tuy nhiên, dự báo nhu cầu thép cho xây dựng là rất lớn, hiện VNSteel đang đầu tư một số dự án với công nghệ hiện đại để “đón” nhu cầu và với hệ thống SXKD cốt lõi tích hợp từ khai thác nguyên liệu thô cho đến sản xuất, bán hàng và phân phối sản phẩm, gíá cả sản phẩm của VNSteel chắc chắn là cạnh tranh hơn các đơn vị khác. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy của TCty đã hết khấu hao và từ bây giờ là thu lợi nhuận. Cho biết thêm thông tin, ông Lê Phú Hưng, quyền TGĐ chia sẻ, quý I lợi nhuận riêng Cty mẹ là 60 tỷ, chưa hợp nhất lợi nhuận từ các cty con và cty liên kết.

Một vấn đề mà nhiều NĐT quan tâm là sau CPH, VNSteel có làm nhiệm vụ bình ổn thị trường như trước đây từng làm hay không?. “Cty vẫn sẽ tiếp tục tham gia vào bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của Tcty với xã hội và cũng là hành động giúp duy trì thị trường ổn định, tăng trưởng vững chắc. Tuy nhiên, sau năm 2008, từ kinh nghiệm của chúng tôi, ngành thép đã được mở rồng, VNSteel  giảm dần đầu tư vào sản xuất thép xây dựng để đầu tư sản xuất thép có GTGT cao hơn (thép dẹt, cán nguội…), do vậy trách nhiệm bình ổn thị trường là trách nhiệm chung của các DN” - Đại diện VNSteel cho biết.

Là TCty 91 đầu tiên thực hiện cổ phần hóa, ông Tinh cho rằng: “Vạn sự khởi đầu nan”, thời gian sau CPH là giai đoạn khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua. Sau CPH, VNSteel cũng sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược với tiêu chí là nhà sản xuất thép nằm trong top 10 của thế giới, gắn bó lâu dài với VNSteel nhằm tạo cú hích thay đổi cơ cấu vốn và quản trị cty…”.

VNSteel cũng đã thuê nhà tư vấn nước ngoài là McKinsey để xây dựng chiến lược phát triển 5 năm từ 2011-2015, và tầm nhìn đến 2025. VNSteel kinh doanh đa ngành nhưng nòng cốt vẫn là thép, đầu tư ngoài ngành (hiện chiếm khoảng 4,5% vốn) chủ yếu phụ trợ cho sản xuất thép (Cảng biển, bảo hiểm, tài chính, bất động sản…).

Liệu giá cổ phiếu của VNSteel có bị ảnh hưởng bởi tình trạng ảm đạm của thị trường khi trên thị trường đang có những cổ phiếu giá còn rẻ hơn mớ rau? Dẫu sao thì đợt IPO “tổng” 91 đầu tiên được giới đầu tư kỳ vọng sẽ góp phần làm khởi sắc TTCK đang được xem là xuống đáy. Nói như ông Mai Văn Tinh: “Đáy càng sâu thì cơ hội và triển vọng cho NĐT càng lớn!”.

Thanh Lan

Đọc thêm