Nỗi lo tự chủ hoạt động, kinh tế càng gia tăng gấp nhiều lần khi từ Tết tới nay, đã gần 3 tháng, các nhà hát đều đồng loạt “tắt đèn” vì… dịch Covid. Dịch Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động với nhiều thiệt hại khó đong đếm. Hiện, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đang đề xuất: Tạm dừng tự chủ.
Hoang mang về chất lượng và… “cơm - áo”
XHH sân khấu là một phương thức tổ chức các hoạt động sân khấu có sự tham gia của mọi người, mọi thành phần, mọi tổ chức trong xã hội chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước.
Thời gian tự chủ “đã điểm” như theo TS. Trần Trí Trắc, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, NSND Thanh Trầm, tác giả Nguyễn Hiếu đều có chung nhận định các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập rất “chới với” về cách làm XHH.
Ngay như Nhà hát Tuổi Trẻ vài năm trở lại đây đã “lên dây cót” cho việc XHH của mình. Dù mỗi năm được đặt hàng 5 tác phẩm, nhưng đơn vị vẫn dựng 15-20 tác phẩm, như vậy 10 đến 15 tác phẩm được dựng bằng nguồn XHH. Dự án hợp tác giữa Nhà hát Tuổi Trẻ với Ngân hàng SHB trị giá 4 tỷ đồng.
Với số tiền này, các nghệ sĩ đã diễn nhiều đêm miễn phí dự án “Chắp cánh niềm tin”, cộng đồng được hưởng thụ mà diễn viên cũng có nguồn thu. Trên thực tế, đơn vị này chỉ được đặt hàng 10 buổi diễn miễn phí phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhưng khi thực hiện XHH, số buổi diễn miễn phí còn tăng gấp đôi so với quy định của Nhà nước.
Dẫu vậy, TS. Trần Trí Trắc nhận định: “Một số nhà hát tiếp cận tới các doanh nghiệp, các Cty, các tổ chức xã hội để “xin” một ít tiền tài trợ nhằm tạo nên kịch mục hoặc chi phí cho những chuyến lưu diễn ở nước ngoài và các chương trình phục vụ học sinh, sinh viên miễn phí. Cách làm này còn mang tính cá nhân, gặp chăng hay chớ, khi có, khi không, lúc nhiều, lúc ít và mang hình thức “xin cho kiểu mới”, khiến các nghệ sĩ vô cùng cực nhọc, vất vả, gian truân”.
Còn NSND Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội băn khoăn: “Sân khấu Hà Nội ì ạch, những năm trước, khi thực hiện XHH một phần là vì chúng tôi chật vật khi vận hành trong cơ chế thị trường bởi sự chi phối ảnh hưởng bởi những chính sách, định hướng, tư duy làm nghệ thuật không thay đổi.
Chúng tôi mới chỉ chủ động về tài chính, còn nhân sự thì còn quá cồng kềnh, gánh nặng này cũng là một nguyên nhân khiến sân khấu Thủ đô chưa thể nào XHH được. Theo tôi, cần có lộ trình để chuẩn bị từng bước XHH. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có các chính sách đặc thù hỗ trợ cho sân khấu truyền thống như bảo tồn vốn cổ, chế độ thu hút nghệ sĩ cao tuổi truyền nghề cho lớp trẻ…”.
Nhà hát Cải lương Việt Nam buồn hơn vì không có sân khấu biểu diễn. Mỗi tác phẩm muốn công diễn phải đi thuê rạp. Tiền bán vé phải chi dùng vào việc thuê địa điểm, chưa kể còn trả lương, thù lao cho diễn viên và nhiều khoản khác. Chuyện không “nhà” còn thấy rõ ở các đơn vị khác như Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội, Nhà hát Kịch. Hầu hết địa điểm này đều không có bãi giữ xe cho khán giả.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM chia sẻ: “Một khi muốn tổ chức các chương trình mang tính thương mại thì phải có địa điểm tổ chức biểu diễn, có các trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tốt, đủ chuẩn, đáp ứng nhu cầu chuyên môn. Hiện nay, cơ sở vật chất của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM chưa thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản này”.
Ngoài gánh nặng nhân sự, vấn đề cân, đong, đo, đếm thế nào để có tác phẩm nghệ thuật vừa đảm bảo tính nghệ thuật song hành với giải trí (kéo khán giả) là điều không hề dễ dàng. Chẳng nói đâu xa, về XHH sân khấu, lâu nay giới nghệ thuật vẫn dẫn ra các ví dụ điển hình ở TP HCM như: Sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu Idecaf, sân khấu Kịch Phú Nhuận, sân khấu Kịch Hồng Vân...
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc: Kịch nghệ đậm chất giải trí theo đề tài xã hội, kinh dị, trinh thám, gây cười tẻ nhạt, của các đơn vị này sau một thời gian hút khách, gần đây đang dần “thoái trào”, không ít lần phải trả lại tiền, xin lỗi khán giả. Phần nhiều vì tác phẩm ít dần sự đầu tư cho chất lượng, thiếu tính giáo dục... Phải chăng XHH một cách thiếu định hướng như thế đã đến lúc phải thoái trào? Một số mô hình XHH ấy đứng trước nguy cơ tan rã.
Dân TP HCM thích bỏ tiền túi thưởng thức nghệ thuật là vậy mà nhà hát còn vắng khách, huống chi dân Thủ đô vốn chỉ thích xem nghệ thuật bằng vé mời, thận trọng khi bỏ tiền túi ra mua vé thì “bài toán” XHH của các nhà hát càng thêm… hóc búa.
Các nghệ sĩ hầu hết cho rằng, Nhà nước đưa dần sang cơ chế đặt hàng, tự chủ về kinh phí, nhưng văn hóa là loại hình đặc biệt nhằm mục đích phi lợi nhuận, những cái không thể đo được bằng tiền, chứ không phải mục đích chính của hoạt động nghệ thuật là tiền bạc.
Thế nên, Nhà nước vẫn phải có chế độ đầu tư, hỗ trợ hoặc về cơ sở vật chất, hoặc chế độ đãi ngộ gì đó cho những hoạt động nghệ thuật đích thực nhằm cung cấp giá trị tinh thần cho công chúng, chứ không phải đặt nặng việc phải kiếm được bao nhiêu tiền trong một năm? Nếu quá chạy theo lợi nhuận, các nghệ sĩ, Nhà hát sẽ đưa tác phẩm nghệ thuật sa vào “nhàm, nhảm” điều này sẽ bất lợi cho nghệ thuật Việt.
Có nhà quản lý văn hóa trấn an: “Đối với các đơn vị sân khấu Thủ đô, nhất là sân khấu truyền thống thì việc XHH không có nghĩa là bị bỏ rơi, phải “tự bơi”. Nhà nước vẫn quản lý, vẫn đặt hàng tác phẩm và có đấu thầu”. Dù vậy, các nhà hát Thủ đô chưa thôi hết lo âu vì phía trước con đường XHH khá gập ghềnh…
Nhà hát “tắt đèn” vì dịch, lấy đâu kinh phí để tự chủ?
Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có khoảng hơn 110 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT&DL, còn lại là các tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT. Trong đó, phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị.
Trước đây, cứ “đến hẹn lại lên”, một số nhà hát một năm nhận được trên dưới 10 tỉ đồng tiền ngân sách, nhưng đã đến lúc Nhà nước không thể bao cấp mãi cho các nhà hát mà các nhà hát sẽ phải tự đi bằng đôi chân của mình. Ai cũng thấy buồn rầu, lo sợ rằng, nếu rời nguồn vốn ngân sách nhà nước sân khấu truyền thống chắc chắn sẽ ngắc ngoải rồi... chết. Vì thế, tâm lý nghệ sĩ và người đứng đầu các nhà hát đều chưa muốn bị “cai sữa” dù “bầu sữa mẹ ngân sách” trong những năm qua, dù vẫn bị chê là hạn hẹp, ít ỏi.
Nỗi lo tự chủ kinh tế càng gia tăng gấp nhiều lần khi từ Tết tới nay, đã gần 3 tháng, các nhà hát đều đồng loạt “tắt đèn” vì… dịch bệnh. Rạp Hồng Hà đóng cửa, diễn viên của nhà hát chỉ còn lương cơ bản do Nhà nước chi trả và sống cầm cự qua ngày. NSƯT Quang Khải - Phó trưởng đoàn cải lương Thể Nghiệm thuộc Nhà hát Cải lương Việt Nam tâm tư: “Sân khấu phía Bắc từ Tết tới nay đã hủy hàng chục suất biểu diễn ở các tỉnh khiến Nhà hát thất thu và đời sống nghệ sĩ bấp bênh”.
Việc dừng, hủy các buổi diễn, hợp đồng biểu diễn hàng tuần, hàng tháng, thậm chí cả quý đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các đơn vị nghệ thuật. Chao đảo nhất có lẽ là Nhà hát Cải lương Việt Nam, vì không có nhà hát riêng nên đã ký hợp đồng biểu diễn suốt 3 tháng đầu năm với các đơn vị và địa phương.
Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên ước tính, có tới 50% số buổi diễn trong chỉ tiêu hằng năm của Nhà hát trông chờ vào mùa lễ hội đầu năm, việc dừng biểu diễn đồng nghĩa với nỗi lo không đạt chỉ tiêu cho cả năm.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam buồn rầu: “Một số show diễn mà nghệ sĩ xiếc đã ký hợp đồng phối hợp biểu diễn như “Ký ức Hội An” (tại Hội An, Quảng Nam) hay “Duca Show” (Du ca đất Việt, Nha Trang)… dừng phục vụ đã ảnh hưởng lớn tới thu nhập của Liên đoàn Xiếc và các nghệ sĩ”.
Trước những khó khăn của các nhà hát, hiện Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia có báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các đơn vị văn hóa nghệ thuật. Trong đó, Viện đề xuất các gói chính sách đi kèm.
“Tạm dừng tự chủ là một trong những giải pháp được đưa ra. Các đơn vị đang trên đường tự chủ có thể tạm dừng lại, chậm lại quá trình tự chủ này. Nghĩa là nếu Nhà nước yêu cầu tự chủ 10% kinh phí thì có thể năm nay chưa yêu cầu như vậy. Nếu nhà nước yêu cầu tự chủ nhiều hơn thì có thể dừng lại ở mức tự chủ của năm trước. Vì thường tự chủ có lộ trình, mỗi năm tăng phần tự chủ một chút”.
Cũng theo đề xuất chính sách của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, một số lãnh đạo các bảo tàng đưa ra đề xuất muốn giữ lại tiền bán vé khi hết dịch bệnh để bù vào những tháng đầu năm không có khách vào thưởng lãm.
Về thuế, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đề xuất Bộ VH-TT&DL kiến nghị giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật, giảm 50% sắc thuế này vào năm 2021.
“Nhà hát chúng tôi cố gắng không làm phiền ai. Trong hoàn cảnh eo hẹp này vẫn cố lo đủ lương cho anh em. Khi mọi chuyện quay lại bình thường thì cố gắng có hoạt động có thu. Nhưng nếu có giảm thuế năm 2020 thì sẽ bớt khó khăn đầu vào”, ông Sĩ Tiến – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ mong mỏi.