Khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Nghệ An đang tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước. Tuy nhiên, quá trình thực đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều đập, hồ chứa nước ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) rơi vào tình trạng cạn nước.
Nhiều đập, hồ chứa nước ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) rơi vào tình trạng cạn nước.

Theo báo cáo từ Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Nghệ An), Nghệ An là tỉnh có nhiều công trình thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 1.061 hồ chứa nước để cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, nước phục vụ công nghiệp và dân sinh. Trong đó, có 55 hồ chứa nước lớn; 220 hồ vừa và 786 hồ chứa nhỏ. Các công trình này phần lớn đều được xây dựng từ những năm thập niên 60, 70 thế kỷ trước.

Do thời gian xây dựng đã lâu nên các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị xuống cấp hoặc không còn phù hợp với các yêu cầu an toàn hiện nay, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hệ sinh thái rừng không còn như trước.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 120 hồ chứa thủy lợi hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn cao, cần khẩn trương tu sửa. Đơn cử như: Hồ Khe Bai (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn), hồ Ông Thân (xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc), hồ Khe Mèn (xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp)...

Đã có nhiều hồ chứa được sửa chữa, nâng cấp hệ thống đầu mối để đảm bảo an toàn công trình và đảm bảo cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, nước phục vụ công nghiệp và dân sinh. Nguồn kinh phí thực hiện tu sửa này từ nguồn vốn của Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn vay các tổ chức quốc tế và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, do việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đầu mối của hồ chứa cần kinh phí lớn nên đến nay vẫn còn không ít đập, hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý chưa có kinh phí để nâng cấp, cải tạo dẫn đến việc quản lý, khai thác, sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở cấp huyện, xã còn nhiều khó khăn, bất cập do số lượng cán bộ chuyên ngành thủy lợi còn hạn chế, một số huyện không có cán bộ chuyên môn thuỷ lợi. Ngoài ra, một số địa phương không phân cấp các công trình theo quy định được phân cấp cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, không kiện toàn, nâng cao năng lực cho các tổ chức thủy lợi cơ sở.

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Nghệ An) cho biết, để đảm bảo phòng chống thiên tai, ổn định công trình, trước mắt các đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước vẫn thường xuyên kiểm tra định kỳ trước, trong và sau mùa mưa bão đối với các hạng mục công trình đầu mối để sửa chữa, gia cố những hạng mục bị hư hỏng.

Cũng theo ông Thành, UBND tỉnh Nghệ An mới chỉ đạo Ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; Chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, đồng thời nâng cao chất lượng ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

Đọc thêm