Khó khăn trong quản lý tàu cá

(PLVN) - Theo nhật ký kiểm soát thủ tục đăng ký xuất bến tàu cá của các đồn biên phòng các tỉnh miền Trung, tỷ lệ tàu cá xuất bến ít vì không đủ điều kiện xuất bến. Để thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về việc quản lý tàu cá, chấm dứt khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), những bất cập trong khai thác thủy sản cần được tháo gỡ.
Ảnh minh họa. Nguồn VOV

Thực hiện Luật Thủy sản 2017 có gì vướng?

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 được đánh giá có nhiều điểm mới quan trọng. Với mục tiêu phục vụ cơ quan quản lý nhà nước giám sát vị trí tàu cá trên biển, các tàu cá chiều dài 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019. Các tàu cá có chiều dài 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1/4/2020. 

Riêng các tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1/1/2020. Cùng với đó là việc chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang chiều dài (mét) và cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá. Thế nhưng những quy định này có nhiều bất cập khiến ngư dân lao đao và các cơ quan quản lý lúng túng khi thực thi. 

Theo hệ thống pháp luật về thủy sản trước năm 2017, có hàng chục nghìn tàu cá được hoạt động ở vùng khơi. Tuy nhiên khi Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản), có hiệu lực từ ngày 25/4/2019, thì chỉ có những tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được hoạt động tại vùng khơi.

Do đó, có 3.513 tàu cá có chiều dài dưới 15m, công suất từ 90CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi; trong đó có 1.755 tàu đang được hưởng chính sách theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. 

Ngày 2/5/2019, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh thành trực thuộc TW. Theo đó, 28 tỉnh thành ven biển được cấp 31.541 giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Đương nhiên, 3.513 tàu cá kể trên không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi theo Quyết định 1481. 

Lấy ví dụ tại tỉnh Bình Định, hiện có 6.115 tàu cá đăng ký khai thác thủy sản với khoảng 45.000 lao động tham gia sản xuất. Trong số đó có 3.300 chiếc có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tập trung khai thác bằng các nghề chủ lực như nghề câu, nghề vây, mành chụp, lưới kéo... Bình Ðịnh được cấp 3.118 giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi.

Trong quá trình thực hiện đã phát sinh hơn 700 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động tại vùng khơi nhưng không đủ chiều dài 15m buộc phải chuyển vào vùng lộng khiến ngư dân gặp khó trong việc chuyển đổi nghề, nhiều tàu đánh bắt thua lỗ phải nằm bờ.

Để đảm bảo kế sinh nhai, nhiều ngư dân có tàu không đủ điều kiện chiều dài trên 15m nước vẫn phải lén lút ra khơi để đánh bắt. Và như vậy, ngư dân trở thành đánh bắt bất hợp pháp và bị lực lượng chức năng xử phạt. Sản phẩm khai thác bất hợp pháp, không có nguồn gốc nên việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn.

Mặt khác, với bờ biển dài trên 3.260 km, nhưng theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ NN&PTNT, các tàu khai thác xa bờ chỉ được cập tại 57 cảng được Bộ NN&PTNT công bố có đủ điều kiện chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác. Đây là vấn đề khó khăn bất cập cho hoạt động của ngư dân và tàu cá.

Sau nhiều lần kiến nghị, cuối tháng 7/2019, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đồng ý chủ trương cho nhóm tàu cá khai thác thủy sản có chiều dài dưới 15m được phép cải hoán tăng chiều dài tàu để hoạt động tại vùng khơi theo quy định. Tuy nhiên, việc cải hoán chi phí ít nhất cũng trên 200 triệu đồng/tàu, nên ngoài thủ tục cấp phép ngư dân gặp nhiều khó khăn khi cải hoán.

Chậm lắp đặt thiết bị giám sát có phạt không? 

Việc triển khai lắp đặt thiết bị Movimar cho tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã được triển khai từ giữa 2018 và kế hoạch phải hoàn thành trước 30/10/2018. Tuy nhiên, do thiếu thiết bị, nên tháng 11/2018, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị UBND các tỉnh thành khẩn trương thu hồi thiết bị Movimar đã được lắp đặt trên tàu cá có chiều dài dưới 24m, để lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên do địa phương quản lý. 

Các thiết bị cho các tàu cá còn lại ngư dân không dám lắp, chờ hướng dẫn thì Tổng cục Thủy sản mãi đến gần đây mới công bố thiết bị giám sát hành trình tàu cá Thuraya SF250 của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và thiết bị Vifish.18 của Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) đạt chuẩn, kết nối đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá của Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá đặt tại Tổng cục Thủy sản. Do đó, hầu hết các tỉnh đều chậm lắp thiết bị giám sát tàu cá. 

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 3.349 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó, có 174 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên. Tháng 7/2019, Chi cục Thủy sản tỉnh đã thu hồi được 190/305 thiết bị Movimar, đã bàn giao cho Công ty Vishipel - chi nhánh Đà Nẵng 189 thiết bị, chưa giao 1 thiết bị, chủ tàu báo mất 114 thiết bị, còn lại 1 thiết bị lắp đặt trên tàu lớn hơn 24m còn sử dụng được, không thu hồi.

Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã phê duyệt danh sách 174 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên lắp đặt thiết bị Movimar gửi Vishipel để lắp đặt thiết bị. Ngoài 50 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên lắp đặt thiết bị Movimar, 124 tàu cá còn lại có chiều dài từ 24m trở lên sẽ phải tự lắp đặt thiết bị này. Đến nay, Quảng Ngãi mới lắp đặt được 63 thiết bị. Trong đó, có 50 thiết bị Movimar, 10 thiết bị Vifish 18, 3 thiết bị Thuraya SF 2500. 

Tháng 7/2019, Bình Định đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar cho 69 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, đạt tỉ lệ 100%. Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 đến 24m, đến nay mới có 603/3.231 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện còn 2.628 tàu đang chờ lắp đặt.

Theo lộ trình, có 1.229 tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới kéo phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xong trước ngày 1/1/2020. 1.399 tàu làm các loại nghề khai thác khác phải lắp đặt xong trước ngày 1/4/2020. Số lượng tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình còn khá lớn, trong khi thời gian rất ngắn nên Bình Định rất khó đảm bảo theo đúng lộ trình quy định về việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá.

Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi lo ngại, theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ 5/7/2019, nếu các chủ tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ xử phạt nặng, từ 300-500 triệu đồng với tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m; phạt 500-700 triệu đồng với tàu có chiều dài từ 24m trở lên. 

Khi luật có hiệu lực thì các cơ quan chức năng phải thi hành. Ngư dân đi biển dài ngày chưa lắp thiết bị vẫn nơm nớp lo bị xử phạt khi mà mức phạt này không hề nhẹ.

Nỗi lo thiết bị giám sát tàu cá

Ngư dân Phạm Văn Thái (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam; chủ tàu cá QNa 90028TS) cho biết, máy Movimar khó sử dụng do cần nhiều thao tác phức tạp. Âm thanh của máy này rất nhỏ, khi ra khơi gặp gió lớn gây ồn ào sẽ không nghe được. Hệ thống này cũng rất tốn điện, với những chuyến biển dài ngày ngư dân không chuẩn bị đủ điện để sử dụng. 

Tại Quảng Ngãi, trong 50 thiết bị Movimar đã lắp trên tàu cá thì 2 thiết bị không có dữ liệu, không có tin nhắn, 1 thiết bị có tin nhắn trước ngày lắp, 1 thiết bị có tin nhắn trên đất liền. Một số tàu cá đã lắp đặt Movimar nhưng không truy cập được. Thiết bị giám sát tàu cá Quảng Ngãi QNg 95474 TS thường xuyên báo “có lỗi xảy ra trong quá trình xử lý”. Nhiều thiết bị Movimar đã thu hồi nhưng chưa được xóa trên hệ thống giám sát tàu cá gây khó khăn trong theo dõi, cập nhật… Khi có bão, phần mềm của hệ thống không thống kê, trích xuất được một số tàu cá đang ở trong vùng ảnh hưởng của bão…

Còn nhiều chủ tàu khác lo lắng vì độ chính xác của máy Movimar bởi qua máy Icom, ngư dân nhận được tin báo bão cập nhật còn máy Movimar hoạt động suốt 24/24h mà chẳng nhận được tin báo gì. Nếu máy gặp sự cố sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để sửa chữa, gây khó khăn cho quá trình bám biển quanh năm.

Tổng cục Thủy sản cần có ý kiến để hướng dẫn các vấn đề, một tàu cá lắp đặt 2 thiết bị giám sát hành trình của 2 đơn vị cung cấp thiết bị khác nhau thì truy cập thế nào? Một trong 2 thiết bị không hoạt động thì có vi phạm về mất kết nối không? Tàu cá thường xuyên mua bán, sang tên chủ tàu khác thì việc thay đổi dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá thực hiện như thế nào?

Đọc thêm