Khó khăn trong xác định hôn nhân thực tế

(PLVN) -Hôn nhân thực tế là một sự thật tồn tại, luôn được pháp luật hôn nhân và gia đình (HNGĐ) chú trọng giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, phù hợp, việc xác định quan hệ hôn nhân, tình trạng hôn nhân của hôn nhân thực tế vẫn còn gặp vướng mắc do pháp luật chưa dự liệu, điều chỉnh được hết những tình huống phát sinh trong thực tiễn. 

Phải đáp ứng một số điều kiện

Sở dĩ phải điều chỉnh vấn đề hôn nhân thực tế là bởi có nhiều trường hợp nam nữ ở với nhau như vợ chồng, cùng nhau tạo lập tài sản, có con chung nhưng không đăng ký kết hôn hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Có điều, việc xác định quan hệ hôn nhân, tình trạng hôn nhân của hôn nhân thực tế hiện chỉ còn được áp dụng đối với các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước 03/01/1987 (thời điểm có hiệu lực của Luật HNGĐ năm 1986).

Theo Luật HNGĐ 2014  - là văn bản luật mới nhất và đang được áp dụng tại thời điểm hiện hành, Điều 131 đã quy định về điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, đối với những trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 thì tùy theo thời điểm chung sống sẽ áp dụng quy định của Luật HNGĐ năm 1959 và Luật HNGĐ năm 1986 để giải quyết. Hiện nay, việc xác định các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 vẫn áp dụng quy định tại Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 quy định: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”. Như vậy, đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, hiện họ chưa đăng ký kết hôn, vẫn đang chung sống với nhau thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế).

Trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, hiện tại hai người không còn tiếp tục chung sống với nhau nữa, nếu người dân có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thì cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ  vào hướng dẫn tại điểm c mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP để xem xét quan hệ hôn nhân đó có phải là hôn nhân thực tế hay không, trên cơ sở đó xác nhận tình trạng hôn nhân cho các bên. 

Theo đó, “được coi là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận; Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. 

Vì thế, đối với trường hợp này, để có cơ sở xác nhận tình trạng hôn nhân cho các bên, cần xác định thời điểm chung sống của 02 bên là trước ngày 03/01/1987 và thuộc một trong 04 trường hợp nêu trên, hiện chưa ly hôn hoặc không có sự kiện một bên chết/bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì UBND cấp xã có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu là “hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông...” theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP.

Nhiều khó khăn trong áp dụng

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thanh Cao đã chỉ ra một số khó khăn trong việc xác định tình trạng hôn nhân cho các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP về cách ghi Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì: “Nếu là trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và vẫn chung sống với nhau mà chưa đăng ký kết hôn thì ghi “Hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông...”. 

Còn theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HNGĐ 2014 về việc xác định người đang có vợ hoặc có chồng là: “Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ/chồng của họ chết hoặc vợ/chồng của họ không bị tuyên bố là đã chết thì được xác định là người đang có vợ hoặc có chồng”. 

Điều này gây khó khăn khi xác nhận tình trạng hôn nhân đối với trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, chưa đăng ký kết hôn hoặc không có sự kiện vợ/chồng của họ chết. Ngoài ra, thực tiễn cũng gặp khó khăn trong việc xác nhận tình trạng hôn nhân đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, hiện tại họ không còn tiếp tục chung sống nữa nhưng chưa làm thủ tục ly hôn hoặc không có sự kiện vợ/chồng của họ chết/bị tuyên bố là đã chết. 

Chia sẻ với vướng mắc của địa phương, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Trần Thị Lệ Hoa nhận thấy, khoản 1 Điều 14 Luật HNGĐ 2014 quy định: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 không có quy định cụ thể tại Điều này. Bởi thế, để thuận lợi cho việc giải quyết các yêu cầu đăng ký hộ tịch đối với những trường hợp này trên thực tế, cần nghiên cứu bổ sung quy định hướng dẫn xác định các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước 03/01/1987, đặc biệt là những trường hợp hiện tại không còn chung sống nữa. 

Đọc thêm