Khi có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn, nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) nói thẳng rằng việc giảm lãi suất cho vay chưa thể khiến họ lạc quan…
Ảnh minh họa. |
Thiếu vốn, nhà xưởng hoang tàn
Nhiều ngân hàng đã đồng loạt hưởng ứng bằng việc đề ra nhiều gói hỗ trợ hấp dẫn sau những chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN nhằm giảm lãi suất cho vay cho DN nhỏ và vừa (DNNVV). Mới đây nhất, Sacombank công bố hỗ trợ 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi áp dụng cho các khoản vay mới đối với khách hàng DN với lãi suất 13%/năm. Ngoài ra, Sacombank cũng triển khai gói 50 triệu USD cho vay ưu đãi đối với DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất áp dụng cho các khoản vay chỉ từ 4,5%/năm…
Maritime Bank cũng dành 2.000 tỷ đồng cho các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất, thuốc, hóa dược, thiết bị y tế, cao su, nhựa… với lãi suất ưu đãi 16 - 18%; đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, mức lãi suất chỉ từ 15% và quy mô vốn vay là 5.000 tỷ đồng.
Tại buổi đối thoại giữa DN với ngân hàng về lãi suất và cơ cấu lại nợ diễn ra tại Hà Nội ngày 20/7, bà Nguyễn Thị Mai Sương -Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội - khẳng định, đến nay, toàn bộ 12 ngân hàng cổ phần (NHCP) và 8 công ty tài chính có trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh các ngân hàng quốc doanh đã giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15% một năm.
Theo bà Sương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã giảm được 30-50% tổng số các hợp đồng vay lãi suất cũ trên 15%. Riêng Vietcombank và BIDV đã giảm 100%. Các ngân hàng khác đang rà soát và cố gắng trong tháng 7 sẽ hoàn tất đưa lãi suất khoản vay cũ về 15%”.
Tuy nhiên, đại diện một DN cho hay, trên thực tế không phải tất cả các khoản vay cũ của các DN đều được hưởng mức lãi suất mới này. Chính các ngân hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Việc đưa lãi suất nợ cũ về 15% khiến nhiều ngân hàng mất đi lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, để giữ mình, không ít ngân hàng buộc phải tìm cách lựa chọn những DN khỏe để… tiếp sức. Phần lớn các DNNVV đều chỉ dám “nằm mơ” được tiếp cận chính sách ưu đãi này…
Việc công bố giảm lãi suất và việc tiếp cận nguồn vốn, theo đại diện một số DN là hoàn toàn… khác nhau. Trả lời phóng viên, hầu hết lãnh đạo DN đều tỏ ra khá bi quan với khả năng tiếp cận vốn ngân hàng lãi suất thấp theo chỉ đạo của NHNN hiện nay.
“Biết rồi”, nhưng vẫn … phải nói
Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Quảng Ninh, ông Nguyễn Lương Tá, nêu thực trạng, phần lớn các DN tại Quảng Ninh đều đang kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng, “dù họ đã được ngân hàng hứa chắc như đinh đóng cột sẽ cho vay vốn nếu dự án được triển khai, nhưng cuối cùng mắc khâu nọ khâu kia, khiến nhà xưởng, máy móc đầu tư cả đống tiền, xong bỏ đó vì không vay được vốn để hoạt động”.
Thẳng thắn hơn, theo ông Nguyễn Đại – Giám đốc một DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn tại Quảng Ninh - thì đã có ngân hàng in hẳn tờ rơi phát tận tay DN, trong đó ghi lãi suất vay trung hạn chỉ 12%/năm.
Khi thấy đó là mức lãi suất chấp nhận được, ông đã chỉ đạo kế toán lên kế hoạch để tiếp cận nguồn vốn này để mở rộng hoạt động kinh doanh nhưng khi đến ngân hàng đó làm việc, được trả lời: “Đấy là mức lãi suất ghi như vậy thôi, thực tế còn phải cộng thêm một số khoản chi phí nữa nên lãi suất cho vay ra thực chất là 17%”. Sau một hồi tính lên tính xuống, cuối cùng Cty quyết định không vay vốn vì “có vay cũng không kinh doanh gì đủ trả lãi ngân hàng”.
Tại Cty TNHH đóng tàu Long Hải (P.Hà Khẩu – Quảng Ninh), xưởng đóng tàu rộng thênh thang của DN này chỉ là cảnh tượng bị “hoang hoá”. Người đứng đầu DN, ông Nguyễn Duy Thủy, cho biết, thời điểm năm 2005 – 2009, DN làm ăn được, công nhân lên đến cả trăm người, tàu đóng mới, tàu sửa cũ liên tục đưa vào đưa ra...
“Khoảng 1 năm trở lại đây, xưởng gần như ngừng hoạt động. Không có đơn đặt hàng nào mới, công ty buộc phải cho công nhân nghỉ việc hàng loạt”, ông Thuỷ cho hay.
Định hướng sắp tới của DN là chuyển sang đóng tàu du lịch sắt để phù hợp với định hướng phát triển đội tàu của địa phương nhưng cái khó trước mắt là tìm vốn ở đâu. “Đã gõ cửa hầu hết các ngân hàng rồi nhưng chưa ai chịu cho vay. Dù có phương án sản xuất tốt nhưng lúc này chúng tôi vẫn chấp nhận nằm im chờ… chết”, ông Thủy nói thẳng.
Lan Uyên