Mếu vì một mảnh giấy
Chị Nguyễn Thị Hồng có hộ khẩu thường trú tại thị trấn T. thuộc tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 2001 đến năm 2004, khi đi học đại học ở tỉnh Thái Nguyên, chị đăng ký tạm trú có thời hạn tại phường K. tỉnh Thái Nguyên nhưng vẫn có hộ khẩu thường trú tại gia đình ở thị trấn T. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Hồng đi du học tại Nga.
Tháng 6 năm 2006, trong dịp về thăm gia đình, chị Hồng đến UBND thị trấn T. nơi mà chị có hộ khẩu thường trú từ nhỏ cho đến khi ra nước ngoài du học để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau khi tìm hiểu về quá trình cư trú của chị Hồng, cán bộ tư pháp - hộ tịch tại thị trấn T. cho rằng chị Hồng phải xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại phường K. tỉnh Thái Nguyên, vì đây là nơi chị Hồng cư trú thực tế trước khi xuất cảnh đi du học.
Với hoàn cảnh gần giống chị Hồng, anh Phạm Văn Tuấn hiện đang là nghiên cứu sinh học tập và công tác tại Hàn Quốc cũng đang bị “tắc” vì tờ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Anh Tuấn cho biết từ tháng 9 năm 2009, anh học tập và công tác tại Hàn Quốc. Trước đó, trong giai đoạn từ 2002 đến 2009, anh học tập và công tác ở nhiều nơi như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nhật Bản và Thái Lan.
Trong thời gian ở Hàn Quốc, anh Tuấn có nguyện vọng về Việt Nam kết hôn nhưng vì anh đang học tập ở nước ngoài nên địa phương yêu cầu anh phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Đại sứ quán nước sở tại đang cư trú. Nhưng nếu là lấy giấy giới thiệu tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc chỉ có thể xác nhận cho anh thời gian từ tháng 9 năm 2009 tới nay. Để xác nhận cho thời gian trước đó, anh Tuấn đề nghị được viết bản cam kết về tình trạng hôn nhân nhưng cán bộ tư pháp địa phương không đồng ý vì cho rằng vấn đề ký cam kết chỉ dành cho những người trở về cư trú hẳn ở địa phương, còn về cưới xong rồi đi tiếp thì không được.
Làm sai do hiểu không đúng?
Đối với những công dân đang bị mắc ở khâu xin xác nhận tình trạng hôn nhân như chị Hồng và anh Tuấn thì thắc mắc chung nhất của họ là: “Cán bộ tư pháp - hộ tịch hướng dẫn như vậy có đúng không?”. Theo hướng dẫn, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho chị Hồng thuộc trường hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP:
“Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở trong nước, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh, thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”.
Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật để giải quyết yêu cầu của chị Hồng, cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn T. đã hiểu không đúng về “nơi cư trú trước khi xuất cảnh” của chị Hồng, do đó xác định sai về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho đương sự.
Trong trường hợp này, để hiểu đúng nơi chị Hồng cư trú trước khi xuất cảnh là thị trấn T. (thuộc tỉnh Lạng Sơn) hay là phường K. (thuộc tỉnh Thái Nguyên), cần viện dẫn quy định về xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP: “Đối với công dân Việt Nam ở trong nước thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật và đăng ký hộ khẩu”.
Từ các quy định nêu trên, việc cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn T. hướng dẫn chị Hồng đến UBND phường K. thuộc tỉnh Thái Nguyên để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là không đúng quy định của pháp luật.
Ở câu chuyện của anh Tuấn, việc xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau cũng được quy định tại Điểm d Khoản 2 Mục II Thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký, quản lý hộ tịch. Theo đó, trường hợp trước khi kết hôn có quá nhiều nơi cư trú khác nhau thì người xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể làm giấy cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan này:
“Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan”.
Vì thế, UBND địa phương nơi anh Tuấn sinh sống không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi anh đã viết giấy cam đoan là trái với quy định của pháp luật. Nếu UBND có văn bản từ chối không xác nhận tình trạng hôn nhân thì anh Tuấn có quyền khiếu nại quyết định hành chính của UBND xã, phường đó.