Khóa tu mùa hè không phải cánh cửa "biến hình" của trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khoảng 10 năm trở lại đây, Khóa tu mùa hè, trại hè, học kỳ quân đội… là những mô hình được nhiều gia đình lựa chọn để gửi con trong những dịp hè với kỳ vọng “dạy con nên người”. Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền chia sẻ của một người mẹ sau khi nhận con từ một khóa tu mùa hè, lại khiến câu chuyện này “nóng” hơn tiết trời mùa hè của Hà Nội.
Hình ảnh một khóa tu mùa hè.
Hình ảnh một khóa tu mùa hè.

Chuyện buồn ở khóa tu ở chùa Cự Đà

Theo chia sẻ của tài khoản facebook có tên G.N chị G.N có đăng ký cho con khóa tu 5 ngày tại chùa Cự Đà (Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Tu sinh, gồm cả nam và nữ ở độ tuổi từ 9 - 16. Những ngày vào chùa, ban tổ chức có dặn con chị G.N chỉ nên mang theo 6 - 8 bộ quần áo để thay rồi mang về nhà giặt; đồng thời không được liên lạc hay gọi điện thoại để tránh việc các con sẽ nhớ nhà.

Đến ngày thứ 5 tới đón con về, chị G.N xót xa khi thấy quần áo trên người con bẩn thỉu, hôi hám; chân tay bị muỗi đốt chi chít. Đặc biệt, chị G.N phát hiện tay trái của con bị sưng to chỗ khủy tay và tay con không thẳng như bình thường, nên truy hỏi. Lúc này, con chị cho biết ở chùa đã xảy ra xô xát và bị bạn dùng ghế gỗ ngồi đập mạnh vào đầu và tay.

Chị N cũng cho biết, con chị kể: Những người phụ trách dặn con chị không được nói là bị đánh mà phải nói là bị ngã, nếu không nghe lời thì bị phạt quỳ 2 giờ.

Sau khi thông tin trên trang cá nhân của chị G.N được chia sẻ trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh. Hiện chưa có kết luận chính xác về vụ việc, tuy nhiên, theo thông tin trên báo chí, UBND xã Cự Khê đã yêu cầu tạm dừng các khóa tu ở chùa Cự Đà.

Trả lời PV VTC News chiều 17/6, bà Phạm Thị Lương Duyên - Phó chủ tịch UBND xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông tin đăng tải lên mạng xã hội liên quan đến khóa tu ở chùa Cự Đà, chính quyền đã phối hợp với lực lượng liên ngành huyện Thanh Oai thành lập đoàn kiểm tra làm việc với nhà chùa về vấn đề phụ huynh phản ánh.

"Chúng tôi đang phối hợp với lực lượng Công an xã và các ban, ngành làm việc với đại diện nhà chùa để xác minh, làm rõ thông tin do chị G.N. đăng tải. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng đang trích xuất camera để làm rõ việc tay cháu bé bị đau là do bị các bạn xô đẩy hay dùng ghế vụt", vị lãnh đạo cho hay.

Theo vị lãnh đạo xã Cự Khê, thời điểm 10h30 ngày 15/6, một cháu bé đến phòng y tế của nhà chùa kêu bị đau tay và nói bị bạn xô đẩy ngã. Thấy vậy, nhà chùa đã đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Qua kết luận của bác sĩ, cháu bé không bị gãy xương, chỉ bị sưng đau phần mềm.

Dân Trí đưa tin, bà Phạm Thị Thu, Trưởng ban tổ chức khóa tu chùa Cự Đà đã có tâm tư nói về sự việc này. Trong thư, bà Thu viết, từ ngày 12-16/6, bà hỗ trợ khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà. Vào 11h ngày 15/6, tại gia đình Tâm Thiện, cháu C.H.P (11 tuổi, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) trình bày bị đau tay.

Khi hỏi bộ phận phụ trách, bà Thu nhận được thông tin cháu P. đau tay do bị ngã. Sau đó, bà này cử người đưa cháu P. đi bệnh viện chụp X-quang. Khi thấy kết quả khám, kiểm tra bình thường, bà Thu đã chủ quan, sơ suất không thông báo cho gia đình biết vụ việc.

Sau khi điều tra, bà Thu xác định cháu P. có va chạm với bạn ở lớp Tuổi Trẻ và 2 bên đánh nhau. Khi vụ việc xảy ra, người bên "chúng trưởng, chúng phó" đã giấu không thông tin cho bà Thu biết.

Sau khi thông tin chị N chia sẻ, từ khóa “khóa tu mùa hè” trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Các ý kiến bày tỏ xúc cảm về chủ đề này chủ yếu là những thông tin thiếu tích cực về loại hình khóa tu mùa hè dành cho trẻ.

Trước hết, phải khẳng định sự bức xúc của chị N hoàn toàn hợp lý! Việc phụ huynh gửi con cho một cá nhân, tổ chức nào đó điều đầu tiên họ cần là sự an toàn cho con mình. Và dù cho tai nạn là ngoài mong muốn, nhưng phụ huynh cũng có quyền được bên tổ chức cung cấp thông tin kịp thời, và trung thực những sự cố liên quan đến con họ.

Trong trường hợp con của chị N, bên tổ chức cũng đã lên tiếng thừa nhận sự việc, tuy nhiên, người tổ chức lấp liếm việc che dấu thông tin với gia đình cháu bé bằng những lý do khó chấp nhận như quên, hoặc đổ lỗi cho người trực tiếp phụ trách cháu bé.

Phụ huynh kỳ vọng gì ở những Khóa tu mùa hè?

Câu chuyện khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà chỉ là một sự cố không mong muốn, nhưng lại đang được áp đặt chủ quan vào các khóa tu nói chung.

Từ khoảng 10 năm nay, nhiều chùa nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc đã tổ chức rất thành công những khóa tu mùa hè, nhiều cơ sở tổ chức thành công các học kỳ quân đội, tập làm chiến sỹ, hay các trại hè với nhiều mục đích khác nhau: Trại hè bóng đá, trại hè đồng dao… này. Mức độ thành công của những chương trình này không có thang bảng điểm để chấm. Tuy nhiên, nhìn sự nở rộ của nó, chứng tỏ đó là những chương trình thích hợp, phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Sau sự cố của khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự thất vọng về những chương trình này với những tâm sự kiểu “Tu đâu cho bằng tu nhà thờ cha kính mẹ chính là chân tu. Chùa là nơi tu tập, để các thầy sống khổ hạnh tu tâm. Không phải cơ sở Giáo dục, càng không phải cơ sở lưu trú. Các gia đình nên cân nhắc kĩ trước khi cho con tham gia.” Hay "Cho đi một khóa về, thay đổi được vài hôm, rồi đâu lại vào đấy…"

Hay “Cha mẹ không dạy được con mà đòi đưa lên chùa với quân sự 1-2 tuần mong nó thay đổi.” “Tu cái gì? Con trẻ làm gì mà phải tu ? Ở nhà, ở trường được học yêu thương cỏ cây hoa lá, bồi dưỡng tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, xây dựng 1 tâm hồn đẹp. Chứ trẻ làm gì mà tu?"

Có phụ huynh nêu quan điểm: Từ trong ý nghĩ tôi cũng không bao giờ ủn con vào những lò quản trẻ con núp dưới các chương trình nghe tên mỹ miều kiểu này. Có thời gian, có tiền cho con đi du lịch, nhìn ngắm cảnh đẹp, mở mang tầm mắt. Mỗi dịp hè sẽ học một kỹ năng mới như kiểu: bơi, nấu ăn, nhiếp ảnh, MC. Đi du lịch đến 1 vùng đất mới để tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, ẩm thực của vùng đất đó...

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm khá khách quan về vấn đề này. Quan trọng nhất là các phụ huynh đã hiểu đúng về bản chất của khóa tu này hay chưa, và kỳ vọng như thế nào từ những chương trình ngắn ngày như thế.

Không ngoại trừ những khóa tu được quảng bá một cách hào nhoáng bằng những mỹ từ khiến phụ huynh ảo tưởng khóa tu như một cánh cửa thần kỳ mà đưa vào cửa này một đứa trẻ lười biếng sẽ đón ra ở cửa kia một đứa bé hiếu thảo, ngoan ngoãn. Đa phần các khóa tu chỉ là một hành trình ngắn để trẻ được tham gia trải nghiệm một cuộc sống khác với cuộc sống đang có của trẻ.

Với cuộc sống của các khóa tu, các con sẽ phải theo một nề nếp khác – nề nếp của môi trường thanh tịnh nơi cửa thiền, không gian yên tĩnh, sống chậm, tránh xa có các thiết bị điện tử - môi trường mạng, các con sẽ được thử các món chay, được nghe những bài học đạo đức, những bài học về lòng từ bi, nhân ái bài học khơi dậy thiện tín cho bé, lối sống lạc quan, tích cực và có trách nhiệm.

Trong số những bài học đạo đức đó, không ai kỳ vọng và càng không dám bảo đảm trẻ sẽ lĩnh hội được hết. May mắn lắm thì một hai điều sẽ đọng lại trong trẻ. Nhưng chắc chắn, trẻ sẽ không thể quên có một môi trường thanh tịnh như thế với những câu chuyện “cổ tích” mà mình đã được nghe, nó sẽ như một “hạt mầm” ấp ủ trong lòng trẻ nếu đủ duyên lành sẽ trỗi dậy.

Thậm chí, có những phụ huynh sau khóa tu của con, ban đầu, nghe những câu chuyện của con về những va vấp với các đồng tu, về cuộc sống kham khổ trong khóa tu, bố mẹ định “kiện”. Tuy nhiên, sau một vài ngày quan sát con, họ cảm thấy mình đã quyết định đúng khi con chia sẻ rằng: “Lần đầu tiên trong đời con thấy nhà là thiên đường. Lần đầu tiên trong đời con thấy quạt mát hơn điều hòa. Lần đầu tiên trong đời con biết thế nào là ở dưới đáy của xã hội. Lần đầu tiên con nhớ mẹ, nhớ nhà và tủi thân đến thế!” “con đã được bài học đầu đời về cái biết trân quý mọi thứ đang có” – phụ huynh này chia sẻ.

Không kỳ vọng vào sự lột xác của con, có phụ huynh chỉ cần một sự thay đổi nhỏ của con đã thấy hài lòng, bởi họ hiểu: Con mình đẻ ra và nuôi lớn cho đi học trường lớp bao nhiêu năm còn chưa thay đổi nổi nó, thì đừng kỳ vọng vậy vào một khóa tu vài ngày. Sau khóa tu về, con ăn cơm không bỏ phí đồ ăn, ngủ ngon giấc hơn… nhỏ nhí vậy cũng là thay đổi. Và thay đổi tích cực nhỏ sẽ góp vào 1 thay đổi lớn. Môi trường gia đình quan trọng lắm. Con có rèn luyện ở đâu tốt trời tốt bể mà về đến nhà cách sống của gia đình lệch pha với nơi đó thì xác định là vứt lên sao hoả rồi về nhà nó cũng “tái hoà nhập”.

Để các khóa tu mùa hè đạt hiệu quả giáo dục cao, góp phần gìn giữ nét văn hóa tâm linh truyền thống, tránh tình trạng mê tín dị đoan, vai trò định hướng của gia đình là rất quan trọng. Về phía cha mẹ, trước khi đăng ký cho con em mình tham gia các khóa tu phải cân nhắc và nhận thức đúng. Việc nhiều người mẹ cho rằng vì con em họ “khó nuôi” hoặc khó dạy dỗ nên phải gửi vào chùa để nhờ nhà chùa giáo dục là hoàn toàn sai lầm. Các bậc phụ huynh cần nhìn nhận đúng ý nghĩa, vai trò của các khóa tu thì mới định hướng đúng cho các em, không ép buộc hoặc cưỡng chế các em tham gia, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý

Về phía thanh thiếu niên, ngoài việc cần được cha mẹ giáo dục tâm lý từ ở nhà, bản thân các em nên tự tìm hiểu và say mê với các lớp học mùa hè; hình thành thái độ học tập nghiêm túc, tôn trọng những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc, có hành vi ứng xử đúng mực…Cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo, Hội Phật giáo các cấp cần quan tâm định hướng, kiểm tra nội dung để các khóa tu phù hợp và mang tính giáo dục cao.

phatgiao.org.vn

Đọc thêm