Khoảng 1,3 triệu lao động về quê tránh dịch, 60% muốn quay lại làm việc

(PLVN) - Thực trạng người dân về quê tránh dịch đã dẫn đến thiếu hụt lao động tại một số khu công nghiệp được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong phiên làm việc chiều 10/11.
Thời gian qua, nhiều người lao động đã về quê tránh dịch, gây thiếu hụt lao động tại một số khu công nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, COVID-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng xã hội, lao động và việc làm. Qua các số liệu về lao động các vấn đề liên quan đến làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm quay trở về quê đã làm thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp, tại các địa phương có nhu cầu lao động.

Bộ đã có định hướng gì để tham mưu giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động như nêu trên?”, Đại biểu Phúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong Báo cáo 177 ngày 8/11 ông đã viết rất kỹ 4 trang về các giải pháp này, trong đó đề cập sâu vào giải pháp một là giữ chân người lao động; hai là thu hút người lao động quay trở lại; ba là giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi họ về mà họ không đi trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm ở nơi mới; bốn là giải pháp điều tiết bổ sung lao động trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Trong đó, quan trọng nhất theo ông có một số vấn đề: Thứ nhất là chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương thu nhập.

Thứ hai là phải chăm lo an sinh thật tốt, phải có mức sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm, đó là vấn đề nhà trọ, vấn đề nhà ở, vấn đề sinh hoạt, vấn đề nơi để có thể gửi con, chăm sóc con cái.

Thứ ba là phải đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe. Đó là tiêm vaccine.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang).

Cũng quan tâm đến câu chuyện người dân trở về quê tránh dịch, Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) phản ánh, riêng An Giang hiện con số đó đã trên 70.000 người. Việc này đã làm phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội, nhiều người bị mất việc làm, thu nhập, cuộc sống bấp bênh, nhất là người nghèo, người già và trẻ em.

Với bối cảnh đó, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ và Chính phủ đã có những chính sách gì để hỗ trợ cho người lao động trở về quê để họ không bị bỏ lại phía sau?

Về câu hỏi trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lực lượng lao động về quê vừa qua là tương đối lớn, có ý kiến khác nhau về số liệu, nhưng sau khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghe và tổng kết tất cả báo cáo của 63 địa phương cùng với tiến hành rà soát, thống kê, phân loại ban đầu thì con số chính thức lao động về quê là khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ thành phố Chí Minh, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam để về quê tránh dịch.

Ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trực tiếp chủ trì làm việc với các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam thì cho thấy khoảng 30% người dân trên cơ sở các địa phương cho đăng ký thì có nhu cầu quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 30% thì muốn chuyển sang địa bàn khác, phần còn lại là muốn ở lại quê, nhưng trong số ở lại quê cũng chỉ có tỷ lệ khoảng 40% muốn có công ăn việc làm tại quê.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội ngày 10/11/2021.

Sau khi trao đổi với các địa phương, ông Đào Ngọc Dung nhận thấy có 4 vấn đề lớn.

Thứ nhất là các địa phương cùng với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vùng kinh tế trọng điểm có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở về quê.

Thứ hai là các địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm. Ví dụ như Thanh Hóa vừa rồi đã giới thiệu một loạt người lao động về quê đi làm việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang và riêng Bắc Giang cho đến thời điểm này đã tăng hơn 50.000 người lao động so với thời điểm trước dịch. Số này tăng chủ yếu là do lao động ở các vùng quê di chuyển sang Bắc Giang, Hà Nam cũng như vậy.

Thứ ba là tạo việc làm tại chỗ. Rất nhiều địa phương tạo được vào việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số ngành, lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình.

Thứ tư là khuyến khích lao động quay trở lại. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần tập trung triển khai các chính sách như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.

Đọc thêm