Việc lấy ý kiến được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch riêng của Bộ, ngành, địa phương mình.
Trên cơ sở các kế hoạch này, trong thời gian qua, nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện để lấy ý kiến nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân đã được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng và đã được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận và góp ý kiến vào Dự thảo Bộ luật.
Tính đến ngày 15/5/2015, qua 100 báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý về Dự thảo Bộ luật.
Kết quả lấy ý kiến nhân dân đã được Bộ Tư pháp tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Trên cơ sở kết quả này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý hoặc để giải trình, bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ của quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật.
Nhân dân đánh giá cao về tính khả thi của Dự thảo
Đánh giá chung đối với Dự thảo Bộ luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Đa số ý kiến cho rằng, Dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp; đã cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; kế thừa, phát triển được các quy định còn phù hợp của pháp luật dân sự hiện hành và các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 về cơ bản đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý trong Dự thảo Bộ luật. Vì vậy, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao về tính dự báo, tính ổn định lâu dài và tính khả thi của Dự thảo Bộ luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực nêu trên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Bộ luật vẫn còn nhiều lỗi về mặt kỹ thuật văn bản; một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự.
Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm quy định của Bộ luật Dân sự thực sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn cho người dân, cho các hoạt động kinh tế nói riêng và cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan và các chuyên gia để có những tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Bộ luật.
Hôm qua, cũng trong chương trình làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, trước ý kiến đề nghị xem xét, sớm thông qua Dự án Luật Biểu tình, Luật về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Chương trình đã được Quốc hội thông qua, Dự án Luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9; các Dự án Luật về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
Căn cứ vào tình hình chuẩn bị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho giữ thời gian trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại Kỳ họp thứ 10 và đồng ý với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian cho ý kiến dự án Luật Biểu tình sang Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016).