Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8km. Điểm đầu của dự án nằm ở phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo).
Điểm cuối dự án giao với Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh tại Km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây). Giai đoạn trước mắt, dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe; vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/giờ.
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 tổ chức thực hiện và quản lý.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá, biểu dương các bộ, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để có được kết quả bước đầu trong việc khởi công dự án. Phó Thủ tướng cũng biểu dương sự đóng góp đầy trách nhiệm, sự đồng thuận của người dân địa phương nơi có đường cao tốc đi qua trong việc sẵn sàng bàn giao giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc khởi công và sớm đưa vào sử dụng 2 đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8 km) và Phan Thiết - Dầu Giây (99 km), được kỳ vọng trở thành động lực mới để các địa phương dọc tuyến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư để khai thác hết các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương. Trong đó, sẽ rút ngắn đáng kể hành trình từ TP HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch như Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Đồng thời, khi hoàn thành dự án này sẽ góp phần mở ra cơ hội lớn cho đầu tư phát triển khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của các địa phương có đường cao tốc đi qua.