Khơi dậy tình yêu di sản văn hóa trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để thế hệ trẻ ngày nay có ý thức bảo vệ, giữ gìn những nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố đã kết hợp cùng các trường học đưa những bài giảng thú vị, bổ ích về văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương vào chương trình học.
Giáo dục di sản văn hóa trong trường học thành công khi học sinh yêu thích, tiếp tục tìm tòi, sáng tạo từ văn hóa truyền thống của dân tộc. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Giáo dục di sản văn hóa trong trường học thành công khi học sinh yêu thích, tiếp tục tìm tòi, sáng tạo từ văn hóa truyền thống của dân tộc. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Đa dạng cách tiếp cận

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có câu: “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói ấy được Hồ Chủ tịch viết trong cuốn “Lịch sử nước ta” (năm 1942), cho thấy tầm quan trọng của văn hóa, lịch sử đối với mỗi người dân.

Nếu như sách sử ghi lại những cội nguồn, những sự kiện quan trọng của dân tộc bằng ngôn ngữ, thì di sản văn hóa là những minh chứng lịch sử, bảo tồn nét đẹp truyền thống, tinh hoa mà ông cha đã để lại từ ngàn đời nay. Không chỉ Việt Nam, mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều tự hào về các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và luôn cố gắng lưu truyền cho thế hệ sau.

Hiện nay, Việt Nam có hàng trăm di sản văn hóa tại 63 tỉnh thành, trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể và 5 di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận. Mỗi di sản đều có nét đẹp độc đáo riêng biệt. Đây là một lợi thế, cho việc đưa di sản văn hóa vào chương trình giáo dục. Đặc biệt, nhiều học sinh ngày nay còn mơ hồ khi được hỏi về những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, truyền thống tốt đẹp của chính quê hương mình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện và chỉ đạo trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi một tỉnh/ thành phố sẽ có chương trình Giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy giúp học sinh trang bị những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng - an ninh... Qua đó, học sinh hiểu biết thêm về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với lứa tuổi, góp phần nâng cao phẩm chất, năng lực của người học, hiệu quả đổi mới dạy và học.

Ở nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các chương trình, đề án thiết thực nhằm nâng cao kiến thức của học sinh về di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản ở trong địa phương. Như ở tỉnh Hội An, sau 7 năm biên soạn và thử nghiệm, đầu niên học 2022, một bộ giáo trình giáo dục di sản văn hóa địa phương đã được các em học sinh tại phố cổ Hội An học. Được biết, bộ tài liệu này dày 160 trang, nội dung được thiết kế hai phần chính. Phần 1 tập trung giới thiệu chung về bộ tài liệu, phần 2 dành cho nội dung chi tiết về 10 chủ đề học tập. Học sinh sẽ được học hai chủ đề liên quan về di sản văn hóa Hội An như đình, chùa, hội quán, nhà thờ tộc, lăng, nhà cổ, làng nghề và một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ở phố cổ...

Còn hiện nay, để giúp học sinh có cái nhìn thực tế về di sản văn hóa của địa phương. Các cơ quan, phòng, ban, trung tâm về du lịch đã phối hợp với ngành giáo dục để tổ chức giảng dạy, đưa học sinh đi dã ngoại, tham quan các địa điểm văn hóa của địa phương và ở những tỉnh thành khác. Mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1113/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về công tác thuyết minh, giới thiệu, diễn giải và xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa, truyền thống cho học sinh, sinh viên. Vào năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 3089 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng.

Ví dụ như ở Huế - một vùng đất có nhiều di tích lịch sử quan trọng, đồng thời là một địa điểm du lịch “vàng”, thu hút đông đảo khách đến mỗi năm. Vì vậy, việc giáo dục về di sản văn hóa trong trường học là vô cùng quan trọng. Vào tháng 8/2022, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Phòng Giáo dục thành phố Huế đã lên kế hoạch, ký kết biên bản đưa di sản, nghệ thuật truyền thống vào trường học bằng các hoạt động tham quan di tích lịch sử, trò chuyện với nghệ nhân,… để văn hóa dân tộc không chỉ là những trang giấy khô khan mà trở nên gần gũi, hấp dẫn với mỗi em học sinh.

Truyền “lửa” đam mê cho học sinh

Hiện nay, việc giáo dục di sản văn hóa tại các trường học vẫn còn nhiều hạn chế. Như trong một bài báo khoa học mang tên “Di sản và vấn đề giáo dục di sản cho học sinh Trung học phổ thông” đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ vào năm 2019, cho số liệu, 50% các trường vẫn dạy học về di sản văn hóa ở trên lớp, vì vậy các bài giảng vẫn chưa thật sự hấp dẫn. Còn các hình thức như trò chơi học tập, dạy học ngoài trời,... có khả năng phát huy tính độc lập, sáng tạo của học sinh thì ít được sử dụng. Bên cạnh, các phương tiện dạy học được sử dụng nhiều nhất là phim ảnh (50%); sách giáo khoa và số liệu thống kê (20%).

Hiện nay, có nhiều cách giáo dục để đưa di sản văn hóa đến với học sinh. (Nguồn: Đô thị cổ Hội An).

Hiện nay, có nhiều cách giáo dục để đưa di sản văn hóa đến với học sinh. (Nguồn: Đô thị cổ Hội An).

Trong bài báo khoa học cũng chỉ ra, có không ít trường học đã thực hiện những mô hình và phương pháp tiếp cận di sản văn hóa mang lại hiệu quả giáo dục cao đối với học sinh. Học sinh rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia vào các hoạt động trên lớp và trải nghiệm ngoài lớp học. Ở một số tỉnh miền núi, nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, từ chỗ rất rụt rè, ít nói đã trở nên tự tin trong giao tiếp, trao đổi và trình bày ý kiến với bạn học, thầy cô giáo. Kết quả mà các trường thu được, chính là học sinh không chỉ có thêm vốn kiến thức về văn hóa, lịch sử, mà còn phát triển kỹ năng mềm, tăng cường khả năng sáng tạo.

Lấy ví dụ, ở tỉnh Điện Biên, sau 10 năm thực hiện Đề án dạy tiếng dân tộc Thái, H’Mông cho học sinh tiểu học và THCS, toàn tỉnh có hàng chục nghìn học sinh bậc tiểu học, THCS được đọc thông viết thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Như Trường tiểu học và THCS Sam Mứn (xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên) đã tổ chức cho 753 học sinh ở 40 lớp học tiếng dân tộc Thái. Qua việc học tiếng dân tộc Thái, H’Mông trong trường học giúp các em hiểu thêm về xã hội, tự nhiên, con người và phong tục tập quán dân tộc Thái, H’Mông trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam… Hằng năm, tỷ lệ học sinh tiểu học ở tỉnh Điện Biên hoàn thành chương trình môn học tiếng Thái đạt từ 98,6% đến 99,3%, tiếng H’Mông đạt từ 97,8% đến 99,2%; học sinh THCS hoàn thành chương trình môn học tiếng Thái đạt từ 98,8% trở lên, và tiếng H’Mông lên tới 99,3%.

Việc đưa di sản văn hóa vào chương trình giáo dục, mục đích cuối cùng để thế hệ trẻ không lãng quên những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Mỗi học sinh là nguồn lực để phát triển đất nước trong tương lai, vì vậy, các em phải vận dụng, sáng tạo và kết hợp các yếu tố truyền thống, hiện đại để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Như ở tỉnh Đồng Nai, nghệ nhân Phạm Lơ - Chủ nhiệm câu lạc bộ Đờn ca tài tử, cho biết, sau nhiều năm âm thầm truyền dạy bài bản tài tử miễn phí cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh, trong các buổi lưu diễn, phát sóng trên mạng xã hội cá nhân. Hiện nay, ông đã được nhiều trường học tìm đến và kết nối, mời tới chia sẻ về bộ môn nghệ thuật này. Từ đó, có không ít học sinh, sinh viên đang trong độ tuổi đôi mươi tìm đến riêng ông để nhờ truyền dạy Đờn ca tài tử, để tiếp nối thế hệ cha anh.

Không chỉ dành tình yêu, tâm huyết để tìm tòi thêm về các di sản văn hóa phi vật thể, các em học sinh hiện nay, còn có những đề tài nghiên cứu nhằm bảo vệ di sản. Như ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Chánh, tỉnh Trà Vinh, nhóm học sinh Nguyễn Thị Diễm Hồng và Lê Tăng Bảo Ngọc đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa địa phương bằng mô hình Trường học gắn với di sản”.

Đề tài này được các em thực hiện trong vòng 8 tháng, hai nữ sinh chia sẻ, qua tìm hiểu, tỉnh Trà Vinh có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Điểm nổi bật trong hệ thống di tích lịch sử, văn hóa địa phương ở Trà Vinh là các công trình kiến trúc liên quan đến các thiết chế văn hóa tôn giáo của đồng bào Khmer. Trong đó có chùa Pysey Vararam (chùa Ba Si, ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long), được công nhận và xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2012. Tuy nhiên, ngôi chùa đang có dấu hiệu xuống cấp và bị mọi người lãng quên, nên các em đã thực hiện đề tài nghiên cứu nhằm lưu giữ và phát triển giá trị văn hóa của ngôi chùa. Đề tài của hai em đã đoạt giải Nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2022 - 2023.

Đọc thêm