Khởi nghiệp du lịch: Tiềm năng cho các Startups Việt

(PLO) - Với 5/7 Startup lọt vào vòng chung kết Chương trình Vườn ươm Khởi nghiệp của dự án Sáng kiến Hỗ trợ Khởi nghiệp Du lịch vùng Mê Kông (MIST) cho thấy Việt Nam là tiền năng lớn cho Startup khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch…
Các startup sẽ phải trình bày kế hoạch kinh doanh của mình với báo chí, các nhà đầu tư và hội đồng giám khảo

MIST vừa công bố 12 Statups ngành du lịch đến từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đủ điều kiện tham gia vòng chung kết Chương trình Vườn ươm Khởi nghiệp của dự án này. Trong đó, Việt Nam góp mặt 5 Startups.

12 Startups được lựa chọn từ hơn 250 hồ sơ tham dự, trải rộng nhiều lĩnh vực như các giải pháp công nghệ du lịch, sản phẩm du lịch truyền thống, dự án dịch vụ khách sạn, lưu trú, nhà hàng và cả các doanh nghiệp xã hội. 

Tất cả 12 startups này đều đã trải qua một chương trình huấn luyện - đánh giá diễn ra trong 3 ngày từ 05/05 đến 07/05 tại Siem Riep, Campuchia. Đội ngũ cố vấn của chương trình bao gồm các chuyên gia từ Amadeus Next, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Buffalo Tours (TMG), Clickable Vietnam, Entrepid Advisors, Gobi Ventures, Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông (MTCO), và Triip.me.

Ông Jens Threanhart, Giám đốc Điều hành MTCO, đơn vị đồng sáng lập MIST, giải thích rằng trong thị trường du lịch đầy cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng như hiện nay,việc đưa các Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào trong kế hoạch phát triển du lịch là điều đặc biệt cần thiết. MTCO hiện là tổ chức hỗ trợ phát triển du lịch đầu tiên trong khu vực đưa Startups vào trong chiến lược phát triển ngành du lịch. 

“Một trong những tiêu chí lựa chọn các Startups được trình bày kế hoạch kinh doanh của mình ở Diễn đàn Du lịch Mê Kông là những đóng góp của Startups vào sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Jens Threanhart cho biết thêm.

Bên cạnh những tiêu chí đánh giá thông thường, các Startup lọt vào vòng chung khảo tại Diễn Đàn Du lịch Mê Kông còn được cân nhắc dựa trên những yếu tố kinh tế - xã hội, ví dụ như sự đóng góp vào việc phát triển của ngành du lịch ở Khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, tạo công ăn việc làm (đặc biệt cho phụ nữ), hay sự tăng trưởng toàn diện.

“Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đều đang dựa một phần vào du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển kinh tế xã hội. Trong khi các chính phủ có thể hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch bằng cách đưa ra những chính sách phù hợp, các Startups cần phải nỗ lực hết sức trong việc thu hút du khách, tạo việc làm và thu nhập. MIST là một minh chứng cho thấy các startup trong khu vực đang cố gắng thực hiện điều này…”, ông Dominic Mellor, Giám đốc Dự án MBI cho biết.

Vòng chung kết dự kiến được tổ chức ngày 06/06 trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mê Kông diễn ra từ ngày 6- 9/6 tại Luang Prabang, Lào. Bốn dự án xuất sắc nhất sẽ nhận được Giải thưởng Sáng tạo trị giá từ 7.000 – 10.000 USD.

Đọc thêm