Vấn đề được đưa ra bàn thảo tại chương trình Giao lưu và kết nối khởi nghiệp dành cho thanh niên - sinh viên Lâm Đồng do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng, Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Lâm Đồng và Trường ĐH Đà Lạt tổ chức mới đây…
Tiền hay ý tưởng?
Vấn đề được sinh viên Hứa Văn Khương - Khoa Quản trị kinh doanh, đặt ra là: “Ông Trương Gia Bình - CEO FPT từng nói, khởi nghiệp không cần tiền. Vậy, tiền có ý nghĩa thế nào đối với vấn đề khởi nghiệp?”.
Trong khuôn khổ chương trình Giao lưu và kết nối khởi nghiệp, Ban Tổ chức chương trình Quốc gia Khởi nghiệp VCCI và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Trường ĐH Đà Lạt; Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam và Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tổng thể khởi nghiệp. Theo đó, bốn bên sẽ đồng bắt tay, tạo điều kiện để triển khai bài bản, chất lượng nhiều Khóa Đào tạo hướng dẫn tìm ý tưởng khởi nghiệp, đưa sinh viên, thanh niên của Trường tỉnh đến với các cuộc thi, tiếp cận, tiếp xúc với các nhà đào tạo, hỗ trợ, nhà đầu tư cho khởi nghiệp.
Nhân dịp này, VietinBank Đà Lạt cũng đã chính thức cam kết tài trợ Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Trường ĐH Đà Lạt để góp phần cùng Ban tổ chức, nhà trường chung tay xây dựng môi trường, hệ sinh thái khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
Giám đốc Cty Viet Farm, ông Nguyễn Đông Hải chia sẻ, khi khởi nghiệp, ông đang học năm 2 ĐH Đà Lạt, lúc đó chỉ có 10 triệu và cắm xe đạp của bạn được 3 triệu nữa. Sau khi xin xong giấy phép đầu tư thì trong túi chỉ còn đúng 10 triệu đồng để bắt đầu khởi nghiệp. “Do vậy, ngoài số tiền ban đầu, chúng tôi đã xác định phải khởi nghiệp thành công. Cho đến thời điểm này, ước tính tài sản cố định trên cơ sở hạ tầng của Viet Farm ở khoảng 100 tỷ đồng…” - ông Hải cho hay.
So sánh hiện tại với thời điểm “ngày xưa”, Giám đốc Viet Farm cho rằng các bạn trẻ bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều. “Ngày trước, chúng tôi khởi nghiệp đâu có, làm gì có sự kiện, hội thảo để thu thập thông tin mới. Tôi nghĩ, những thất bại đầu tiên chính là kinh nghiệm để tiếp tục dấn thân. Các bạn phải có tinh thần khởi nghiệp, phải dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào con đường khởi nghiệp…” - ông động viên.
Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Lâm Đồng, bà Phạm Thị Vạn Thanh cũng cho rằng, khởi nghiệp quan trọng phải là đam mê. “Nếu bạn đam mê chuỗi nông nghiệp thì bạn sẽ đặt đam mê vào nông nghiệp. Chúng ta dùng tiền ở đâu? Lấy tiền của gia đình giải quyết được bao nhiêu phần trăm? Nếu không có tiền thì chúng ta sẽ dùng cách nào để huy động vốn? Các bạn phải biến cái không thành có thì mới giải quyết được vấn đề…” - bà Thanh đưa ra lời khuyên.
Trả lời câu hỏi của sinh viên, bà Thanh cho biết: “Nếu CEO Trương Gia Bình cho rằng khởi nghiệp không cần tiền thì đối với cái đầu của ông ấy hoặc ới hệ thống của FPT khi khởi nghiệp có thể đúng, bởi vì khởi nghiệp phải liên quan tới chất xám, phải đặt yếu tố chất xám lên trên hết, còn vốn chỉ là thứ yếu. Tuy nhiên, nếu các bạn chọn chuỗi giá trị nông nghiệp như ông Đông Hải chia sẻ thì chúng ta rất cần sự trợ giúp về vốn để đạt được những điều như chúng ta mong muốn. Việc đầu tư nhà kính, hạt giống, máy móc… đều cần tới nguồn vốn đầu tư ban đầu. Do vậy, tùy theo dự án, tùy theo mô hình khởi nghiệp sẽ cần tiền hay không, chứ không chỉ là chỉ có chất xám và đam mê…”.
Hỗ trợ lãi suất 3% cho dự án khởi nghiệp
Bà Phạm Thị Vạn Thanh - Giám đốc VietinBank Chi nhánh Lâm Đồng cho biết, thực hiện nghị quyết của Chính phủ giao liên quan tới quỹ Quốc gia khởi nghiệp, ViettinBank là một trong những đơn vị có chương trình cho vay khởi nghiệp với nhiều ưu đãi. Đơn cử như với dự án khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ 3% lãi suất khi vay vốn ở NHTM. Chẳng hạn, cho vay sản xuất thương mại bình thường là 8%/năm thì với dự án khởi nghiệp chỉ vay mức 5%/năm, còn 3% ngân sách cấp bù. Nếu dự án đó đáp ứng các yêu cầu được chấp nhận vay vốn hỗ trợ dự án khởi nghiệp thì 3% này ngân sách sẽ cấp trả lại khi dự án đạt các tiêu chí đặt ra. Ngoài ra, riêng ở ViettinBank, ngân hàng đã có quy trình cho vay liên quan tới khởi nghiệp. Theo đó, khách hàng được cho vay một phần không cần có tài sản đảm bảo với tỷ lệ cao lên tới 50%.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng, ông Bùi Văn Lâm cho rằng, với khởi nghiệp cái quan trọng đầu tiên phải có ý tưởng, tiền chỉ là điều kiện để thực hiện ý tưởng đó. “Cả hai cái đều cần nhưng ý tưởng và mục tiêu khởi nghiệp là trên hết…” - ông Lâm khẳng định.
Ví dụ Dự án Lozi.vn của 3 sinh viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn doanh nghiệp cho biết, mặc dù mới tham gia khởi nghiệp vào năm 2016 nhưng sau 1 năm triển khai, Dự án đã gặt hái nhiều thành công. Tháng 6/2016, lúc tham gia vào cuộc thi dự án mới chỉ là sản phẩm mẫu, chào thị trường với khoảng 10.000 user, chưa được đầu tư bất kỳ đồng vốn nào ngoài kiến thức và sức lực. Rồi từ đó được một quỹ khác đã đầu tư vào dự án số tiền 10.000 USD. Và tới nay, sau gần 1 năm đã tăng gấp 70 lần. Mới đây, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản đã rót 2 triệu USD.
“So với nguồn vốn đầu tư ban đầu giá trị cổ phần của Lozi đã tăng gấp rất nhiều lần. Điều đó chứng tỏ khởi nghiệp ban đầu không quan trọng cần vốn mà quan trọng là ý tưởng…” - ông Tuấn khẳng định.
Vậy ý tưởng khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu? Ông Huỳnh Thanh Vạn - Tổng Giám đốc Cty Sfurniture bật mí: “Để khởi nghiệp, các bạn phải tự đánh giá bản thân mình trước, chủ động bày tỏ những ý kiến, quan điểm của mình. Hiện nay rất nhiều nhà đầu tư, nguồn quỹ đang chờ các bạn đưa ra ý tưởng để họ rót vốn hoặc tư vấn cách thức thực hiện dự án...”.
Tổng Giám đốc Sfurniture cũng gợi ý một địa chỉ mà các bạn sinh viên có thể đến để kết nối, tìm được ý tưởng kinh doanh cũng như là biến ý tưởng thành hiện thực, đó là Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp phía Nam do VCCI thành lập, dưới sự chỉ đạo của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp. “Các thành viên trong hội đồng sẽ đào tạo cho các bạn sinh viên những bước đầu tiên về khởi nghiệp. Nếu các bạn đủ trình độ, khả năng, đủ tự tin và đam mê thì nên khởi nghiệp, nếu không các bạn sẽ thất bại...” - ông Vạn chia sẻ.
Rào cản lớn nhất: Bản thân!
Sinh viên Thái Lâm, Khoa Quản trị Du lịch nêu vấn đề: “Rào cản lớn nhất đối với sinh viên là thiếu thự tin và thiếu mối quan hệ. Vậy làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ trong kinh doanh?”.
Dẫn tiềm năng của Lâm Đồng, Tổng Giám đốc Sfurniture, ông Huỳnh Thanh Vạn đặt vấn đề: “Tại sao người Nhật qua đây đầu tư thành công mà chúng ta là chủ nhà lại không làm được?
Theo ông, bởi vì các bạn cứ vướng vào mối lo sợ thiếu kiến thức, vốn, kinh nghiệm, quan hệ và cuối cùng là đánh mất tất cả các tiềm năng và cơ hội.
“Tôi nghĩ, rào cản lớn nhất khi khởi nghiệp chính là rào cản bản thân. Do vậy, khi bắt tay vào khởi nghiệp, các bạn phải đặt ra mục tiêu cho mình. Khi đã có ý tưởng tốt, qua khảo sát thực tế thấy khả khi nên khởi nghiệp ngay…” - Tổng Giám đốc Sfurniture đưa ra lời khuyên.
Sinh viên Đặng Văn Duy, Khoa Quản trị chia sẻ: “Em đang theo đuổi một dự án khởi nghiệp giới thiệu đặc sản Đà Lạt tới du khách. Nhiều DN lớn họ sẵn sàng bỏ ra chi phí lớn cho việc quảng bá thương hiệu, nhưng những DN nhỏ thì lại khó khăn...”.
Không khó để giải thích, ông Đông Hải - Giám đốc Viet Farm tư vấn bằng một câu hỏi ngược lại: “Với hơn 5 triệu du khách tới Đà Lạt, em có nắm bắt được những cái họ mang về từ Đà Lạt không?”.
Vị doanh nhân này cũng phân tích rằng: Hiện nay nhu cầu của 5 triệu du khách khi tới Đà Lạt, cái mà họ mang về chính là rau và hoa Đà Lạt. “Tôi chỉ cần bạn tiếp cận 1/5 số lượng du khách đó và cũng chỉ cần mỗi người chi 100.000 đồng để mua sản phẩm thì doanh thu của bạn sẽ là một con số khổng lồ. Trong khi đó, bạn không cần bỏ vốn!” - Giám đốc Viet Farm gợi ý.
Ông cho biết, với những DN nhỏ sản xuất rau sạch có thương hiệu thì DN của ông sẵn sàng hợp tác, chiết khấu đến 25%. “Như vậy, bạn không cần phải bỏ bất kỳ một chi phí nào cả. Tôi mong muốn, ngay ngày hôm nay, bạn hãy setup lại để làm sao khách hàng tìm tới mua sản phẩm của bạn, chúng tôi đưa sản phẩm và chiết khấu lại cho bạn 25%. Tôi nghĩ bài toán đó rất chi đơn giản mà khẳng định luôn là khởi nghiệp không cần vốn”, ông cam kết.
Tiềm năng của Lâm Đồng đang chờ thế hệ trẻ khai phá
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phan Văn Đa, trong 3 thế mạnh của Việt Nam khi hội nhập (Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; Công nghệ thông tin: Và du lịch) thì tỉnh Lâm Đồng đã hội tụ được 2 thế mạnh. Tuy nhiên, để biến những thế mạnh trên thành hiện thực, tạo nên một Lâm Đồng luôn đi đầu trong khu vực và phát triển kinh tế, điều này phụ thuộc một phần vào năng lực của thế hệ trẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm tỉnh Lâm Đồng có 800 DN mới được thành lập, trong đó có từ 30 - 40 DN được thành lập theo hình thức khởi nghiệp từ vườn ươm khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng và từ sự khuyến khích, động viên của các đoàn thể, Hiệp hội DN.
“Với những thay đổi mạnh mẽ về môi trường đầu tư cũng như sự ra đời của các DN khởi nghiệp hàng năm nên lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm tới các bạn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp” - ông Đa cho biết.
Được biết, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Lâm Đồng phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong khởi nghiệp, phấn đấu tăng nhanh số lượng DN ít nhất gấp 2 lần hiện nay, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu có tối thiểu 1 triệu DN vào năm 2020”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Sự ra đời của đề án sẽ góp phần nâng cao số DN trên địa bàn tỉnh được thành lập đến năm 2020 là 10.000 DN…