Khởi nghiệp - những góc nhìn khác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Khởi nghiệp dựa trên công nghệ mở và Việt Nam đang đứng trước bước thay đổi lịch sử. Tinh thần khởi nghiệp phải nghĩ rộng ra, lớn hơn và nhìn góc nhìn khác. Và từng góc nhìn, trong đó sẽ có góc phù hợp với từng bạn” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắn nhủ các bạn trẻ…
Thanh niên khởi nghiệp thời ChatGPT cần nghĩ rộng ra lớn hơn và nhìn góc nhìn khác. (Ảnh: N.T)
Thanh niên khởi nghiệp thời ChatGPT cần nghĩ rộng ra lớn hơn và nhìn góc nhìn khác. (Ảnh: N.T)

Hãy học từ thất bại

Trong talkshow “Hành trình tới Sao Hỏa và tương lai của chúng ta” xoay quanh những góc nhìn mới, xu hướng công nghệ và những bài học quý giá về khởi nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học FPT đã có những chia sẻ thú vị.

Khi được hỏi “Vì sao Elon Musk (doanh nhân Mỹ hàng đầu trong lĩnh vực hàng không và trí tuệ nhân tạo và là người đầu tiên sở hữu 300 tỷ USD - PV) có thể nghĩ ra những ý tưởng kỳ quái?”, ông Hoàng Nam Tiến đã bật mí: “Tôi có gặp một vài người dường như không thuộc về thế giới của mình, họ như được trao thiên sứ nào đó. Tôi ngưỡng mộ Elon Musk bởi những dự án chưa thành công, chứ tôi không hâm mộ xe Telsa. Chúng ta có thể chưa bằng Elon Musk nhưng để làm ra được những điều khác biệt thì cần nghĩ khác, làm xa.

Điều thứ hai, nếu một người ở tương lai đến thế giới cũng phải làm việc như người bình thường. Elon Musk làm việc 80 - 100 giờ/tuần. Tôi từng bị ném đá khi nói chúng ta nên làm việc 12 - 14 giờ/ngày. Nhưng sự thật tất cả bạn bè xung quanh tôi đều làm việc với thời gian như vậy”.

Trước sự phát triển của thế giới về AI, xe điện,... ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ, FPT sẽ đưa AI vào chương trình đào tạo từ lớp 1 - 12 cho 12 trường phổ thông, nhờ đó có thể tạo nên sự ảnh hưởng đối với các trường khác. Thế giới đã thay đổi mà chúng ta không làm thì làm sao biết sai hay đúng. Mình không thì làm sao biết có đúng hay không. Tinh thần đó luôn thấm đẫm trong cuộc đời Elon Musk”, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học FPT nhấn mạnh.

Ông Hoàng Nam Tiến cho biết thêm, khi mọi người còn đang tranh cãi về công nghệ thì FPT yêu cầu tất cả các sinh viên học võ đạo Vovinam. Vì học 1 tiết Thể dục/tuần là chưa đủ, con người cần trí tuệ sáng suốt, tâm hồn tươi đẹp và cơ thể khỏe mạnh mới có thể phát triển. Khi học võ, học sinh sẽ được học về đạo làm người và rèn luyện được sức khỏe tốt, bảo vệ được bản thân cũng như người khác.

Ngoài ra, tại Trường FPT, học sinh cũng phải biết một loại nhạc cụ dân tộc. Đây là môn chính bắt buộc cần phải thi để ra trường, gồm các loại nhạc cụ như sáo trúc, đàn bầu, đàn tranh,... “Sinh viên Đại học FPT bước ra thế giới với tiếng đàn bầu ở trong tim. Chúng tôi đã làm được điều này từ rất lâu, đã cân bằng được giữa các yếu tố. AI đang phát triển rất nhanh, điều con người cần làm để vượt trội hơn AI đó là những gì từ trái tim đến trái tim, từ ánh mắt đến ánh mắt, những bàn tay siết chặt, những cái vỗ vai,... Vì vậy, chắc chắn chúng ta đừng cố tính nhanh hơn, nhớ lâu hơn mà hãy tập trung vào sự sáng tạo thì chắc chắn không bị đào thải”, ông Hoàng Nam Tiến tiết lộ…

Trong một sự kiện khởi nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến cũng chia sẻ một góc nhìn khác, khi thời điểm phong trào startup nở rộ, hàng loạt hội thảo khởi nghiệp được tổ chức mà diễn giả phần lớn là những doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm thành công. Ông Tiến, khi ấy còn giữ cương vị Chủ tịch FPT Software cho biết, khi sang Silicon Valley, ông thấy ở Mỹ có rất nhiều Angel Investors (Nhà đầu tư thiên thần). Đấy là những con người rất đặc biệt, không phải đặc biệt vì họ có tiền, mà là có khả năng lắng nghe, dù là một bạn vô cùng trẻ trình bày lăng nhăng và họ đầu tư. Ông cũng khuyên các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì cố gắng ra làm một mình, đừng nương bóng ai cả, đặc biệt là đừng “nương bóng những ông già thành công”…

Cùng quan điểm này, ông Phan Minh Tâm - Chủ tịch Quỹ STI, quỹ đầu tư vào 24h Media, Anycar, 30Shine cũng từng khuyên các bạn trẻ đừng nghe những câu chuyện thành công, dù của Bill Gates hay Jack Ma, hay ngay cả chuyện thành công của chính ông. “Mọi người cứ bảo tôi chia sẻ thành công, nhưng các bạn không thể “bơi” lại thành công. Trước có một câu chuyện thành công ấy, nhưng cái khung thời điểm ấy không còn nữa. Các doanh nhân chia sẻ cho các bạn bí quyết, mặc dù có thể bạn thông minh hơn, tài giỏi hơn, nhưng làm lại tỷ lệ thành công tôi đánh giá chỉ 1/1000, còn 999 bạn còn lại không thể thành công được”, ông Tâm thẳng thắn bày tỏ.

Ông cũng cho rằng nếu học hỏi, nên học từ thất bại. Câu chuyện thành công thì “thiên thời, địa lợi” không còn, nhưng câu chuyện thất bại sẽ vẫn còn nguyên đó. “Các bạn nên học thất bại thì hơn. Tránh được thất bại là có cơ may thành công rồi. Theo thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ cứ 5 năm tỷ lệ “chết” lên tới 92 - 93%. Nếu bạn nào sống qua 5 năm, bạn đã có dấu hiệu thành công rồi, nếu bạn kiên trì, áp dụng mọi điều để sống được và liên tục thay đổi để phát triển”, ông Tâm nhắn nhủ.

Sức mạnh từ không có gì!

Trong một cuộc gặp mặt của Hiệp hội Internet Việt Nam trước đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó là Tổng Giám đốc Viettel đã tham gia trao đổi xoay quanh vấn đề khởi nghiệp. Hành trình làm và thay đổi ngành viễn thông của Viettel, một công ty nhà nước 100%, là chủ đề chính mà vị CEO này đem đến.

Khởi nghiệp viễn thông, ngành vốn cần hàng nghìn tỷ đồng đầu tư ban đầu. Tuy nhiên trong tay Viettel gần như không có gì. Nhớ lại ngày ấy, công ty có gần 100 người, tổng tài sản khoảng 2 tỷ đồng được quy đổi qua mấy cái ô tô cũ và một căn nhà 2 tầng. Nhưng chính hoàn cảnh ấy đã là xúc tác cho thành công ngày hôm nay. Ông Hùng khẳng định: “Tôi cho rằng, điều kiện quan trọng nhất của khởi nghiệp là trong tay chẳng có gì cả. Chúng ta phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo vest cuối cùng thì mới là khởi nghiệp. Vì chỉ khi ấy mình mới xả thân”.

Thời điểm đó, năm 2004, ông Hùng đã sang Malaysia để xin tư vấn từ một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông. Đó là đoạn hội thoại ông đã ghi nhớ: “Khó khăn lớn nhất của ông là gì? Ông Hùng đáp: Chúng tôi chẳng có gì. Đó là sức mạnh lớn nhất của ông đấy. Khi chẳng có gì để mất, ông có mọi thứ để thắng”... “Sau này, tôi nghiệm ra thì thấy rất đúng. “Không có gì” là một sức mạnh vô cùng lớn của người khởi nghiệp”.

“Ở Viettel, chúng tôi luôn tìm cách để mình luôn luôn là số 0. Từ đó làm mới mình để khởi tạo những điều khác biệt”. Năm 2006, khi chưa phải là doanh nghiệp số 1 Việt Nam về viễn thông, Viettel bắt đầu một cuộc chơi mới bằng việc đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là Campuchia. “Lúc đó chúng tôi gần như bắt đầu từ số không vì rào cản ngôn ngữ, văn hoá, quy trình, quy định…”.

Năm 2013, doanh nghiệp đã bắt đầu khẳng định được chiến lược và con đường đi ở thị trường nước ngoài. Lúc này, Viettel lại khởi tạo một cuộc chơi mới là CNTT - một lĩnh vực mà công ty chưa từng có kinh nghiệm. “Viettel luôn có xuất phát điểm là con số 0 khi khởi tạo những việc mới, tìm ra những không gian mới. Trước mỗi vạch xuất phát chúng tôi luôn nghĩ tới tinh thần khởi nghiệp của mình trước đây. Đó là lăn xả, không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm làm đến cùng”.

Bên cạnh tinh thần xuất phát từ con số 0, CEO Viettel lúc đó chia sẻ rằng những doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ cần nắm bắt cơ hội mới. Khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những thứ lớn lao, cần nhiều kinh nghiệm hay nguồn vốn lớn mà quan trọng nhất là ý tưởng mới, độc đáo.

Và tại một buổi trò chuyện với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các bạn sinh viên cần nắm được tinh thần chính là khi thấy đã đến lúc với mình thì hãy khởi nghiệp.

Ông cho biết, thực tiễn có người khởi nghiệp khi đang học đại học, có người bỏ học đại học để khởi nghiệp nhưng cũng có những người khởi nghiệp năm 70 tuổi. Mỗi người thấy đã đến lúc với mình, dám và sẵn sàng thì hãy khởi nghiệp. Không nhất thiết phải theo ai. Khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những thứ lớn lao, cần nhiều kinh nghiệm hay nguồn vốn lớn bởi quan trọng nhất của khởi nghiệp là ý tưởng mới, độc đáo. “Những ý tưởng mới không xuất phát từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm cho ta biết đúng sai nhưng cũng là gánh nặng trên vai, làm cho tư duy hạn hẹp lại. Thường có những ý tưởng mới, độc đáo thì lại không cần nhiều tiền phát triển”.

Cuộc cách mạng công nghệ số ngày nay mở ra nhiều cơ hội cho các cá nhân khởi nghiệp khi họ có thể tiếp cận với các công nghệ mới với mức giá rẻ. “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người không sở hữu công nghệ nguồn mà chỉ phát triển ứng dụng thôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn người nắm giữ công nghệ nguồn. Đó là cơ hội cho các nước đang phát triển, cho sinh viên. Cơ hội khởi nghiệp hiện nay không cần quá nhiều tiền, mà cần nhiều hơn là một ý tưởng”, Bộ trưởng nói.

“Khi đang làm một việc gì cố gắng tập trung làm tốt nhất, khi đó cơ hội sẽ đến. Nhưng với điều kiện tìm cho nó một triết lý, một ý nghĩa, một lý luận. Nghĩ xa, nghĩ lớn về việc mình đang làm, nó sẽ giống như ngôi sao dẫn lối”, Bộ trưởng nói.

Định hướng cho các bạn sinh viên về những lựa chọn tương lai, Bộ trưởng cho rằng mỗi người có một lựa chọn phù hợp, nhưng nên tìm đến một nơi có áp lực. “Con người thường chỉ cố gắng khi có áp lực. Khi chúng ta gặp một việc khó, làm việc khó thì chúng ta trở nên giỏi, chúng ta làm việc vĩ đại thì trở nên vĩ đại…”.

Theo Bộ trưởng, có một giấc mơ lớn cũng tạo ra áp lực. Cái đầu tiên là khởi nguồn cho tất cả những cái phía sau nên đừng ngại có một mục tiêu cao, có một giấc mơ lớn. Nhưng phải kiên định với nó. “Đừng ngại, đừng sợ, hãy duy trì một việc nhỏ nhưng hàng ngày, từng bước sẽ thành công và thậm chí trở thành việc vĩ đại”, ông nói.

Khởi nghiệp dựa trên công nghệ mở và Việt Nam đang đứng trước bước thay đổi lịch sử. Tinh thần khởi nghiệp phải nghĩ rộng ra, lớn ra và nhìn góc nhìn khác, từng góc nhìn, trong đó sẽ có góc phù hợp với từng bạn - Bộ trưởng nhắn nhủ...

Đọc thêm