Khởi nghiệp xã hội vì sao chưa phát triển?

(PLO) - Khởi nghiệp xã hội là một mô hình khởi nghiệp đặc biệt, vừa giúp thanh niên tạo dựng ước mơ làm giàu, đồng thời tạo ra những giá trị tốt đẹp, góp phần giảm tải gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, hiện trong nước mô hình này chưa phát triển mạnh bởi nhiều yếu tố.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tỉ lệ khởi nghiệp chuyên về doanh nghiệp xã hội chỉ đạt 0,45% 

Tính tới thời điểm năm 2014, trên cả nước ước tính có hơn 200 tổ chức hoạt động theo mô hình khởi nghiệp xã hội. Đây là là mô hình khởi nghiệp theo định hướng doanh nghiệp xã hội (DNXH), lấy kinh doanh làm lĩnh vực hoạt động chính, nhưng không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 18 triệu người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ và những người yếu thế khác cần sự trợ giúp của xã hội. Những DNXH đã góp phần không nhỏ giúp giảm tải bớt những gánh nặng xã hội. Hiện, các DNXH ở Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực như cơ sở sản xuất với lao động là người tàn tật, dự án khởi nghiệp hỗ trợ người nghèo, du lịch thiện nguyện, dạy các kĩ năng cho người khó khăn… 

Theo ông Cao Hồng Hưng, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh, thiếu niên, Trung ương hội LHTN Việt Nam, trong vòng vài năm nay, trong nước đã xuất hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp xuất thân từ mô hình khởi nghiệp xã hội làm rất tốt cả hai vai trò kinh doanh và hỗ trợ cộng đồng. Có thể kể đến vexere.com, ra đời từ sự đồng cảm với việc người dân khó khăn khi xếp hàng mua vé tàu, xe vào dịp cao điểm; CED, doanh nghiệp hoạt động về nâng cao năng lực hỗ trợ cho người khiếm thính qua việ cung cấp dịch vụ kiến thức, hỗ trợ việc làm cho họ hoà nhập cộng đồng; công ty TNHH thủ công Mai tạo ra hàng nghìn việc làm cho những người thợ thủ công, trong đó phần lớn là phụ nữ nghèo tại các vùng quê, nhằm nâng cao khả năng tự  lập, thoát nghèo thông qua thương mại công bằng… Theo ông Cao Hồng Hưng, những mô hình thành công như thế là các tấm gương khởi nghiệp xã hội giúp các bạn trẻ định hướng được con đường khởi nghiệp cho mình.

Có tiềm năng, nhưng thực tế, tại Việt Nam, mô hình khởi nghiệp xã hội vẫn chưa phát triển, chưa được nhiều bạn trẻ biết đến. Theo một khảo sát năm 2016 cho thấy, tỉ lệ khởi nghiệp chuyên về doanh nghiệp xã hội chỉ đạt 0,45%, tỉ lệ người trưởng thành đang điều hành các hoạt động xã hội ở Việt Nam chỉ ở mức 0,65 so với trung bình 3,7% trên thế giới, đó là một con số khá thấp. 

“Nợ” doanh nghiệp xã hội một hành lang pháp lý

Trung ương Đoàn TNCS HCM đã triển khai chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021 với 3 đối tượng trọng tâm là sinh viên, thanh niên nông thôn và doanh nhân trẻ. Bên cạnh đó, một Hội đồng chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp gồm 21 thành viên là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, trí thức có nhiều kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, điều hành nền kinh tế đất nước, các doanh nhân thành đạt…

Ngoài ra, Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2015-2019 nhằm triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như truyền thông, đào tạo, tập huấn, kết nối nguồn lực… cho thanh niên theo các khu vực, địa bàn khác nhau cũng đã ra đời. 

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực trạng, hoạt động khởi nghiệp xã hội còn khá khó khăn, đến từ nhiều yếu tố như thiếu hành lang pháp lý phù hợp, chưa được trang bị kiến thức pháp luật vững vàng. Mặc dù Điều 10  Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã có những quy định về DNXH, nhưng thực tế, các doanh nghiệp này còn chưa nhận được nhiều ưu đãi, vẫn phải đóng thuế với cách tính gần như các doanh nghiệp thông thường.

Hoạt động truyền thông dành cho doanh nghiệp xã hội cũng chưa thực sự hiệu quả. Nói như ông Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, thì “chúng ta nợ các doanh nghiệp xã hội một hành lang pháp lý thông thoáng và phù hợp thực tiễn, để các doanh nghiệp xã hội và những người trẻ đang khởi nghiệp xã hội có thể làm tốt hơn nữa  sứ mệnh làm giàu và phụng sự cho cộng đồng”.

Bà Vũ Kim Anh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch TP HCM, hiện hoạt động tại Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chia sẻ, trong quá trình hỗ trợ khởi nghiệp xã hội, bà nhận thấy cái còn thiếu và quan trọng nhất đối với thanh niên khởi nghiệp, nhất là thanh niên các vùng nông thôn không hẳn là vốn mà là thiếu kiến thức về pháp luật, thiếu sự định hướng đúng đắn. Hiện đang tồn tại một lổ hổng rất lớn trong kiến thức khởi nghiệp như: Chưa có khái niệm về đăng kí sở hữu trí tuệ, kiến thức về thuế, xử lý các mối quan hệ… Rất cần trang bị cho người trẻ để có một hệ sinh thái khởi nghiệp an toàn, vững chắc.

Đọc thêm