Cửa khẩu hội đủ các loại hình vận tải
Với CKQT Lào Cai, Cửa khẩu quốc gia Mường Khương và một số cửa khẩu phụ, tỉnh Lào Cai là cầu nối giao thương, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, trái cây vào thị trường tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc, bao gồm các tỉnh: Quý Châu, Tứ Xuyên, TP Trùng Khánh và Khu tự trị Tây Tạng. Các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai vào tỉnh Vân Nam và khu vực Tây Nam Trung Quốc bao gồm: gạo, cao su, cà phê, thanh long, tôm, cá khô… (từ các tỉnh miền Trung và đồng bằng Nam Bộ); ngô, sắn, vải thiều, nhãn, chuối, dứa… (từ Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc).
Cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu là cặp cửa khẩu duy nhất giữa Việt Nam với Trung Quốc hội đủ các loại hình vận tải: đường sắt, đường bộ cao tốc, đường thủy và tương lai gần là đường hàng không. Ðây là cửa ngõ trên bộ phía Tây Bắc Việt Nam, giúp các địa phương trong cả nước thông thương với thị trường rộng lớn miền Tây Nam Trung Quốc có sức tiêu thụ hàng hóa nông sản, hải sản lớn. Ðây còn là đường thông thương ngắn nhất, thuận tiện nhất cho tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng và vùng Tây Nam Trung Quốc nói chung (gồm 12 tỉnh, thành phố với diện tích hơn năm triệu km2 và số dân hơn 300 triệu người) thông ra các cảng biển tới nước thứ ba và ngược lại.
Để tạo thuận lợi cho XNK các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo, yêu cầu các ngành chức năng như: Ban Quản lý khu kinh tế, Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch thực vật… thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ngay tại cửa khẩu, khai báo hải quan điện tử, đăng ký trước hồ sơ kiểm dịch, tiết giảm và công khai các loại phí, lệ phí…, nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp hai bên.
Từ đó, giá trị XNK theo xu hướng tăng qua các năm, năm 2017 đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng gần 4 lần so với năm 2008). Hàng năm có trên 2 triệu lượt người và hơn 120 nghìn lượt phương tiện tham gia xuất nhập cảnh qua Khu KTCK Lào Cai. Tổng số thu ngân sách qua các cửa khẩu tăng mạnh qua các năm, năm 2017 đạt 1.864 tỷ đồng (tăng 4 lần so với năm 2008). Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn năm 2017 đã lên đến hơn 2.500. Ðáng chú ý, số doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK và cung cấp dịch vụ logistics qua các cửa khẩu ở Lào Cai đã lên đến con số gần 1.000.
Triển khai mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu”
Nhằm tăng cường hoạt động thương mại góp phần phát triển kinh tế theo phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã có chủ trương hợp tác xây dựng chiến lược phát triển kinh tế “hai hành lang, một vành đai”. Theo đó, hành lang kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh có phạm vi hành lang phía Việt Nam bao gồm các tỉnh, thành phố có quốc lộ 70 chạy qua (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái) và các tỉnh nằm trên quốc lộ 4 và quốc lộ 2 Tuyên Quang và Hà Giang.
Ngày 29/11/2018, tại huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), Tiểu ban Công tác Cửa khẩu tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Văn phòng quản lý Cửa khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã có buổi hội đàm lần thứ 2 (kể từ năm 2016 đến nay). Tại buổi hội đàm, hai bên đã thông tin, trao đổi về tình hình công tác phối hợp quản lý cửa khẩu, lối mở trong thời gian qua; đồng thời tiến hành khảo sát thực tế cặp CKQT đường bộ Lào Cai - Hà Khẩu để triển khai xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu”.
Qua trao đổi, hai bên thống nhất xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu”, nhằm đưa CKQT đường bộ Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) trở thành hình mẫu kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc Việt Nam và các tỉnh vùng Tây Nam Trung Quốc. Tại hội đàm, hai bên thống nhất thực hiện ưu tiên thông quan cho một số sản phẩm tươi sống đang thực hiện xuất nhập cảnh qua cặp CKQT đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc) gồm: Trái cây, rau, hoa, củ, quả, thủy hải sản, chè, gạo, cà phê, ca cao, hạt tiêu, tinh bột sắn. Sản phẩm tươi sống được ưu tiên thông quan phải phù hợp với quy định pháp luật của mỗi bên.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho các hàng hóa khác được thông quan nhanh chóng, ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan, kiểm dịch và các thủ tục liên quan khác cho hàng hóa tươi sống nhằm rút ngắn thời gian dừng, chờ của hàng hóa tại cửa khẩu, hạn chế hư hỏng, giảm chất lượng hàng tươi sống, nâng cao hiệu suất thông quan. Trong thời gian tới, nhiều mặt hàng nông sản đi qua CKQT đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc) sẽ được ưu tiên số 1.
|
Hai bên ký kết biên bản hội đàm thống nhất xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu”. Ảnh: Trung Dũng |
Mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo
Cuối tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1627/QĐ-TTg về quy hoạch chung xây dựng khu KTCK Lào Cai, tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Khu KTCK Lào Cai trải dài gần 200km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên địa phận của 4 huyện là Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và TP Lào Cai. Theo quy hoạch, Khu KTCK Lào Cai có tổng diện tích khoảng 15.929,8 ha. Dự báo đến năm 2040, quy mô dân số khoảng 90.000 người, trong đó lao động khoảng 45.000 người.
Mục tiêu hướng đến là xây dựng khu KTCK Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai. Phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng một khu kinh tế năng động, phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới tại khu kinh tế trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển KTCK trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn gặp những vấn đề khó khăn tồn tại như: Chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều khác biệt; hoạt động XNK qua các cửa khẩu, lối mở của tỉnh chưa ổn định, phụ thuộc vào nhiều chính sách của Trung Quốc; sản phẩm XNK của tỉnh còn ít và chủ yếu là khoáng sản, hoá chất và nông sản giá trị thấp; Thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các khu KTCK gặp nhiều khó khăn; cơ chế chính sách phát triển khu KTCK còn bất cập, vướng mắc.
Bên cạnh đó chưa có chính sách ưu đãi đột phá đối với các khu KTCK và thiếu sự ổn định trong các cơ chế, chính sách tài chính ban hành; Cơ sở hạ tầng, bến bãi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở còn hạn chế, vì vậy rất dễ gây ra ách tắc, ùn ứ hàng hóa; Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên quy mô phát triển XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh mới chỉ đứng thứ 3/7 tỉnh biên giới phía Bắc. Vì vậy, để khẳng định rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại các tỉnh miền núi, biên giới của các khu KTCK, Lào Cai phải có một chiến lược dài hạn, tập trung triển khai những giải pháp trọng tâm và tiếp tục có những chính sách ưu đãi...
Xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung
Từ năm 2005, hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã bắt đầu nghiên cứu Mô hình Khu hợp tác kinh tế biên giới và đã ký kết Đề án Khu hợp tác kinh tế Lào Cai, Việt Nam - Hồng Hà, Trung Quốc. Tiếp nối chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hiện nay tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam đang tích cực thúc đẩy nghiên cứu xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai - Vân Nam.
Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, giữa Sở Công Thương Lào Cai và Ty Thương vụ tỉnh Vân Nam đã phối hợp triển khai rất nhiều nội dung đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt là việc thuận lợi hóa thông quan tại cửa khẩu như: Cho phép xe tải trọng cỡ lớn chở 4 loại trái cây (thanh long, dưa hấu, vải, chuối) qua cửa khẩu vẫn được hưởng chính sách biên mậu; kéo dài thời gian thông quan các loại nông sản, thủy sản tại cửa khẩu Kim Thành từ 8h đến 22h hàng ngày; điều chỉnh giảm từ 10-20% mức phí sử dụng hạ tầng tại cửa khẩu; công tác xúc tiến XNK được triển khai mạnh mẽ như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang; Hội nghị kết nối xúc tiến XNK nông lâm sản; Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung; Hội chợ hàng hóa các quốc gia Nam Á và hội nghị đầu tư và thương mại tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc…