'Khơi thông' cơ sở hạ tầng giao thông mùa du lịch cao điểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vào mùa cao điểm du lịch ở Việt Nam, nhiều điểm tham quan hàng đầu gặp phải cảnh tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Đây là một điểm trừ “bó chân” các tỉnh, địa phương thúc đẩy phát triển du lịch trong mùa cao điểm. Để thu hút khách đến tham quan, năm nay, các tỉnh, địa phương đã có một số thay đổi nâng cao cơ sở hạ tầng.
Hình ảnh bến phà ở Cát Bà ùn tắc trong mùa cao điểm du lịch Đông - Xuân. (Ảnh: PV)
Hình ảnh bến phà ở Cát Bà ùn tắc trong mùa cao điểm du lịch Đông - Xuân. (Ảnh: PV)

Ùn tắc diện rộng vào mùa du lịch

Đặc biệt, trong dịp nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) vừa qua, các tỉnh, địa phương của Việt Nam đã đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan. Như tại tỉnh Bình Thuận, tổng lượng khách du lịch đến tham quan, lưu trú trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay (từ ngày 5/4 đến 7/4) khoảng 85.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 3.500 lượt, doanh thu lên đến 237 tỉ đồng. Trong dịp lễ, lượng khách tập trung đông vào các ngày 5 và 6/4, một số cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao từ 3 - 5 sao gần như đạt công suất 100%.

Điều này cũng cho thấy một khởi đầu thuận lợi của du lịch hè năm 2025, chỉ với ba ngày nghỉ lễ đầu tháng 4, hàng loạt tỉnh, địa phương đã đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh thuận lợi, còn đó hạn chế về cơ sở hạ tầng, khi cứ đến mùa du lịch, người dân lại phải đối mặt với việc ùn tắc giao thông tại các điểm đến. Như trong ba ngày nghỉ lễ vừa qua, hàng loạt các điểm đến hấp dẫn như Khu di tích Lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,... trong tình trạng tắc nghẽn vì lượng du khách đổ về quá đông.

Để khơi nguồn các tuyến đường giao thông, bảo đảm người dân có một kỳ nghỉ lễ an toàn, thuận lợi. Trước kỳ nghỉ lễ, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Xây dựng, doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án BOT; các Ban Quản lý dự án thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ thu phí yêu cầu sẵn sàng xả trạm BOT nếu ùn tắc kéo dài, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025.

Tuy nhiên, đây là một cách ứng phó tạm thời trong các dịp lễ ngắn ngày. Còn vào mùa cao điểm du lịch, cần phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng của các tỉnh, địa phương.

Nâng cao hạ tầng giao thông tại các điểm đến du lịch

Để nhanh chóng phá bỏ “rào cản” về hạ tầng giao thông, trước thềm mùa du lịch hè năm 2025, hàng loạt tỉnh, thành phố đã có những biện pháp để cải thiện. Đây được coi là một bước tiến mới để làm “vừa lòng khách đến, đẹp lòng khách đi”, du khách không còn nỗi ám ảnh mang tên “tắc đường”.

Thời gian vừa qua, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đang là một tỉnh đi đầu về du lịch ở Việt Nam. Nha Trang thu hút hàng triệu lượt khách đổ về mỗi mùa du lịch nhờ bãi biển đẹp, người dân thân thiện và các dịch vụ du lịch tốt. Một điểm trừ lớn nhất của Nha Trang chính là hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, thường xuyên ùn tắc vào mùa cao điểm du lịch Tết, du lịch hè. Vài cung đường như Trần Phú thường xuyên chịu cảnh tắc hàng dài vào cao điểm du lịch.

Vì vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông, chính quyền Nha Trang đã đưa vào sử dụng 3 bãi đỗ xe tạm với sức chứa khoảng 600 ô tô. Dự kiến, trong tháng 2, tỉnh sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động 3 bãi đỗ xe tạm khác với sức chứa khoảng 700 xe ô tô. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đang xin phép Bộ Quốc phòng mở tuyến đường tạm qua sân bay Nha Trang cũ nối liền với đường Hoàng Diệu nhằm giảm tải cho tuyến đường ven biển Trần Phú. Đồng thời, tỉnh đang kêu gọi nghiên cứu, đầu tư đường hầm và bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội thị. Trong đó, thống nhất chủ trương xây dựng tuyến đường hầm ở đường ven biển Trần Phú, đường hầm kết hợp bãi đỗ xe ngầm ở Quảng trường 2 Tháng 4.

Một điểm đến khách thường xuyên xảy ra ùn tắc tại miền Bắc vào mùa cao điểm du lịch là Cát Bà (TP Hải Phòng). Vào năm 2024, Cát Bà đã đưa 3 phà mới Bay View Cát Bà vào hoạt động cùng 5 phà cũ P60 nên lượng hành khách dù có tăng nhưng được giải phóng nhanh, du khách chỉ cần chờ khoảng 40 phút tới 1 tiếng có thể xuống phà. Tuy nhiên, thực tế, trong dịp lễ, Tết Nguyên đán, cao điểm du lịch hè, lượng khách đổ về quá đông vẫn diễn ra tình trạng tắc nghẽn.

Trước thực trạng này, cuối tháng 1/2025, UBND TP Hải Phòng ra quyết định thu hồi 10.129,41m2 đất do Công ty TNHH Mặt Trời Cát Bà quản lý tại xã Đồng Bài, huyện Cát Hải (khu đất này được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho thuê theo Quyết định số 2955/QĐ-BQL ngày 9/7/2021). Từ ngày 1/3/2024, TP Hải Phòng chính thức đưa bến phà Đồng Bài (phía đảo Cát Hải) vào hoạt động thay thế bến phà Gót.

Đọc thêm