Khơi thông động lực tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Khơi thông động lực tăng trưởng mới”. (Ảnh: Thanh Thanh)
Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Khơi thông động lực tăng trưởng mới”. (Ảnh: Thanh Thanh)

Doanh nghiệp vẫn khó khăn

Thông tin tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) 2024 “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Diễn đàn DN phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 12/4, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội (Hanoisme), Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển DN cho biết, các DNNVV đang đối mặt với thách thức lớn từ quá trình hội nhập và chuyển đổi số, cùng với khó khăn từ tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt chuyển đổi số có tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo khảo sát của Hanoisme, khó khăn hiện nay của DNNVV gồm: thiếu đơn hàng 52%; Khó tiếp cận vốn 32%; thủ tục hành chính còn rườm rà 25%; lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế 9%; ngoài ra còn khó khăn do nhân sự chất lượng cao còn thiếu…

Trong quý I/2024, kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cộng đồng DN vẫn gặp khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn DN, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, so sánh giữa số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số DN rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số DN nước ta giảm 14,1 nghìn DN, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn DN.

Ngay trong những ngày đầu của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập trong 2 Nghị quyết này không chỉ hỗ trợ DN phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng mà còn được xem là “chìa khoá” làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; khai mở, tận dụng những động lực mới của năm 2024.

Cùng với đó, Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 21/4/ 2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN… nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đưa kinh tế - xã hội phát triển.

Chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: “Khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo…”.

Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Trong đó, cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên.

Đồng tình khi cho rằng cần phải quyết liệt đổi mới tư duy, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong 3 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Các quy hoạch được phê duyệt đã lồng ghép những tư duy mới, gắn với phát triển kinh tế đô thị, liên kết đô thị - nông thôn,... Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn được nhìn nhận một cách rời rạc, mà có sự gắn kết tương hỗ với nhau và đều ưu tiên thực hiện khẩn trương, ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

“Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các Bộ, ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các DN hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện” - Lãnh đạo VCCI chỉ ra những khó khăn, thách thức.

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, Hiệp hội DN, doanh nhân đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị để khơi thông các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như: nhanh chóng tháo gỡ những “điểm nghẽn”, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN; tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)….

Đọc thêm