Doanh nghiệp Việt trước áp lực tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ là xu thế chung, áp lực tăng trưởng xanh ngày càng cao khi các nước châu Âu đang đưa ra thêm nhiều quy định đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để giữ được các thị trường khó tính.
Dệt may cần thực hiện “xanh hóa” ngay từ nguyên, vật liệu.
Dệt may cần thực hiện “xanh hóa” ngay từ nguyên, vật liệu.

Từng bước kiểm soát phát thải khí nhà kính

Ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV - Bộ Công Thương) khẳng định: “Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn, trước mắt là cho các cơ quan quản lý nhà nước, sau đó là doanh nghiệp (DN). Đặc biệt DN sẽ phải tuân thủ nhiều quy định mới để bảo đảm giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và các yêu cầu khác mà các thị trường lớn như châu Âu đặt ra liên quan đến môi trường và PTBV đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Do đó, Việt Nam phải từng bước kiểm soát phát thải KNK đối với các nguồn phát thải KNK lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất xanh phát triển. “Sắp tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thiết lập hệ thống mới như thị trường giao dịch các-bon để giúp DN có công cụ bảo đảm phát thải KNK” - ông Hùng nói.

Đáng chú ý, ông Hùng chia sẻ, khá nhiều DN dệt may đã cho rằng “rất áp lực với chứng chỉ xanh”, nhưng: “Tôi cho rằng, hiện nay mới chỉ là những áp lực ban đầu vì chứng chỉ xanh rất dễ. Sau này, nhất là từ giai đoạn 2025 - 2026, khi thị trường các-bon đi vào hoạt động thì sẽ còn nhiều áp lực nữa về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh” - ông Hùng khẳng định.

Ông Hoàng Văn Tâm - đại diện Vụ TKNL&PTBV cho biết, trong giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, Bộ Công Thương sẽ thực hiện kiểm kê KNK, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK; đồng thời giai đoạn này cũng bắt đầu được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Do đó, nhiệm vụ của DN cũng nhiều, như tiến hành kiểm kê, xác định mức phát thải KNK tại tất cả các nguồn thải lớn của DN; thực hiện các biện pháp kiểm soát và giảm phát thải KNK theo quy định của Chính phủ; bố trí nguồn nhân lực phụ trách về vấn đề phát thải KNK tại từng cơ sở, bảo đảm được trang bị kiến thức, năng lực để tuân thủ các quy định về giảm phát thải KNK của quốc gia, quốc tế.

Đại diện Vụ này cũng cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về KNK của ngành và cơ sở, phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Nhiều giải pháp để “xanh hóa” sản xuất

Đại diện Trung tâm nghiên cứu và phát triển về TKNL (ENERTEAM) - một tổ chức khoa học công nghệ được thành lập đầu tiên ở Việt Nam chuyên về TKNL và quản lý tài nguyên, cho biết, ngành dệt may đóng góp lớn vào nền kinh tế cũng đồng thời là ngành gây ô nhiễm môi trường hàng đầu. Do đó, ngành dệt may Việt Nam với hơn 7.000 DN phải thay đổi, “xanh hóa” để phát triển bền vững. Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.

Xu hướng bền vững chuỗi cung ứng dệt may đều như nhau trên toàn thế giới. Ví dụ, với quá trình sản xuất, cần phải giảm tác hại môi trường, giảm phát thải các-bon, giảm sử dụng năng lượng; với sản phẩm thì yêu cầu dán nhãn các-bon trên sản phẩm, thiết kế quần áo, nhằm nâng cao khả năng thu hồi, tái chế và tái sử dụng quần áo đã qua sử dụng…

Theo nghiên cứu của ENERTEAM, các giải pháp được đưa ra để “xanh hóa” ngành dệt may khá nhiều, với nhiều công đoạn, hệ thống thực hiện đồng thời. Cụ thể, như dựa trên các giải pháp cải tiến sản xuất, thu hồi và tái sử dụng nước (có thể thu hồi nước ngưng từ máy tẩy dầu, tuần hoàn nước giải nhiệt máy nhuộm, tái sử dụng nước giải nhiệt cho dập bụi); song song đó thực hiện nhóm giải pháp thu hồi nhiệt thải như thực hiện thu hồi nhiệt thải từ nước thải, cách nhiệt máy nhuộm; bên cạnh đó sẽ thực hiện đầu tư công nghệ mới và giải pháp quản lý nước…

Kết quả xây dựng mô hình sản xuất bền vững cho 1 nhà máy dệt nhuộm cho thấy, với tổng mức vốn đầu tư khoảng hơn 68 tỷ đồng thì mỗi năm tiết kiệm được các khoản chi phí tương đương hơn 10 tỷ đồng, đồng thời giảm phát thải đáng kể. Do đó, đại diện ENERTEAM khuyến nghị các DN nên thực hiện đầu tư vào sản xuất bền vững, bởi đó là xu thế buộc phải theo. Tiềm năng tiết kiệm nguyên vật liệu và tài nguyên khác nhau ở các nhà máy tuỳ thuộc vào đầu tư ban đầu, trình độ công nghệ và mức quan tâm của cấp quản lý.

Trong khi đó, ông Lê Bá Việt Bách - Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường của ngành, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng một số hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất tiêu dùng bền vững cho một số ngành như chế biến thủy sản, bia, rượu, bao bì; xây dựng và áp dụng mô hình sản xuất bền vững trong sản xuất, chế biến chè. Đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng một số hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất tiêu dùng bền vững cho một số ngành như sử dụng các sản phẩm thải bỏ của ngành da giày, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất giày thể thao, định mức tiêu hao nguyên liệu trong ngành giấy…

Bên cạnh đó, từ nay đến hết năm 2023 sẽ ưu tiên thực hiện khảo sát, xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu trong các ngành công nghiệp, trong đó chú trọng đến một số ngành trọng yếu như: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu, bia, giấy, chế biến thuỷ hải sản và một số ngành sản xuất khác…

Đọc thêm