Khơi thông động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, trong các giải pháp được Chính phủ nêu ra có giải pháp tập trung thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; quyết liệt thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST), khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới (như chíp bán dẫn, AI…).
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chính phủ xác định là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững. Thời đại kinh tế tri thức trên nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu quốc gia nào đứng ngoài cuộc, chắc chắn tụt hậu.

Còn hơn một quý nữa là hết năm kế hoạch 2024. Đây là năm được Chính phủ xác định năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2021 - 2025).

Nếu như các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng thì động lực tăng trưởng mới là KHCN, ĐMST, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen...

Ngay từ cuộc họp Chính phủ đầu năm 2024, Chính phủ nêu lên nhiệm vụ tập trung vào ứng dụng công nghệ, thúc đẩy ĐMST, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới; phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn; phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Đối với các động lực tăng trưởng mới, ngoài sức mạnh nội sinh, Việt Nam đang được kỳ vọng là điểm đến của các nhà đầu tư hàng đầu quốc tế. Để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu... Thực tế, Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế, là điểm đến của nhiều tập đoàn bán dẫn của Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ...

Động lực tăng trưởng mới cũng chính là lĩnh vực, Việt Nam đang rất cần hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn, ách tắc, thông thoáng môi trường đầu tư, xây dựng các “chuẩn xanh” trên các lĩnh vực, nhất là với hàng hóa đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần lưu ý, tại cuộc họp đầu năm (ngày 05/01), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ TTHC, quy định kinh doanh. Theo đó, các địa phương phải giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh; chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hiệu quả. Khơi thông động lực tăng trưởng mới, cơ quan và cán bộ chức năng cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo trên của Thủ tướng.

Đọc thêm