Doanh nghiệp BOT gặp khó
Tại cuộc tọa đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông” được tổ chức hôm qua, 17/12, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác Công – tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, sau 21 năm mô hình BOT giao thông được triển khai ở Việt Nam, hiện cả nước có 62 dự án (DA) BOT giao thông với tổng mức đầu tư gần 190.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2016, Bộ GTVT huy động được 154.481 tỷ đồng/59 DA BOT. Tại các địa phương, theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc TW, đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các DA BOT.
Các DA BOT giao thông đã góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua các DA BOT cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; trong đó có vấn đề tín dụng cho BOT. Tỷ lệ nợ xấu đối với các DA BOT, BT lĩnh vực giao thông liên tục tăng nhanh, phía ngân hàng ngày càng dè dặt đầu tư vốn các DA BOT giao thông.
Theo ông Thành, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hệ thống ngân hàng siết chặt cho vay đối với các DA BOT giao thông, trong đó chủ yếu là do mức trần cho vay đối với các DA BOT của các ngân hàng đã sắp tới hạn, tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của các DA BOT tăng lên khiến các ngân hàng dè chừng.
Theo ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, hiện nay các doanh nghiệp BOT trong đó có Đèo Cả rất khó khăn trong quá trình huy động vốn. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 đến, doanh thu các trạm BOT sụt giảm, việc thu không đủ việc chi đã khiến các DN BOT giao thông chịu nhiều áp lực. Nhiều DA mới không thể triển khai theo kế hoạch cũng khiến DN khó khăn hơn. “Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Chi Lăng Hữu Nghị dài 43km theo kế hoạch đến năm 2021 phải hoàn thành nhưng đến nay chưa thể khởi công vì thiếu vốn”- lãnh đạo Đèo Cả nói.
Cũng theo đại diện Đèo Cả, khó khăn đến với DN BOT giao thông không chỉ từ dịch bệnh mà một phần từ hệ thống văn bản pháp luật còn chưa đồng bộ, cam kết của cơ quan nhà nước không được thực hiện đúng. “Có những DA, nhà nước còn nợ chúng tôi hơn 1.000 tỷ đồng mà chưa biết khi nào mới được thanh toán”- ông Thắng nói và cho biết, việc tăng vé BOT không được thực hiện đúng cam kết cũng ảnh hưởng rất lớn đến DN BOT, ảnh hưởng đến phương án tài chính.
Làm gì để khơi nguồn tín dụng BOT?
Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đường cao tốc là huyết mạch của nền kinh tế, giờ huyết mạch ấy đang tạm thời “đóng băng” lại do thiếu nguồn tín dụng đầu tư, điều này ảnh hưởng chung đến nền kinh tế về lâu dài. Con đường không chỉ là con đường; đường đến đâu khơi thông kinh tế đến đó. Vì vậy, hệ thống ngân hàng, các DN, Bộ GTVT và các đơn vị quản lý nhà nước liên quan cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, khơi lại nguồn vốn cho BOT giao thông.
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện dư nợ tín dụng đối với BOT khoảng 150 nghìn tỷ. Nếu so với dư nợ của quốc gia thì số này không nhiều. Tuy nhiên, dư nợ này chủ yếu thuộc về một số ngân hàng lớn. “Phải làm sao để các ngân hàng khác, nhỏ hơn cũng tham gia vào BOT?”- ông Hiếu đặt vấn đề và cho rằng, cần có chính sách xây dựng các tổ hợp tín dụng BOT, nhà nước bảo lãnh cho các tổ hợp này.
Đồng thời, cần xác định cho vay BOT không phải là cho vay thương mại mà bản chất là cho vay tài trợ, do đó lãi suất cần thấp hơn. “Hiện lãi suất cho vay BOT giao thông là cao, trong khi vay BOT thời gian dài, rủi ro cao, như hiện nay thì nhà đầu tư rất chật vật để trả lãi ngân hàng khi dịch bệnh xảy ra”- ông Hiếu nói.
Dưới góc độ nhà đầu tư, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, các ngân hàng cần nâng mức trần cho vay đối với các DA BOT. Nhà nước cần có những chính sách để nhà đầu tư có thể vay tín dụng đối với các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng chính sách riêng cho tín dụng BOT, không đánh đồng BOT với các tín dụng thương mại khác.