“Không hình dung nổi sẽ bị “đánh gục”
Tìm đến chuồng Quang Hà thuộc cơ sở sản xuất thực phẩm Quang Hà, thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, PV cứ ngỡ sẽ được tận mắt chứng kiến một quy trình giết mổ bò Úc hiện đại, đúng quy trình theo tiêu chuẩn ESCAS (Exporter Supply chain Assurance system - Hệ thống xuất khẩu theo chuỗi đảm bảo) của Úc và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Nhưng nào ngờ, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những tấm cửa xanh của cơ sở trong tình trạng “cửa đóng then cài” im ỉm, còn ông bà chủ cơ sở thì mặt mày nhăn nhó, đau buồn không muốn tiếp chuyện.
Kiên trì thuyết phục cuối cùng PV cũng biết được toàn bộ câu chuyện để lý giải nguyên nhân vì sao chuồng Quang Hà phải đóng cửa như vậy. Được biết, ở thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, gia đình ông NV (tôn trọng đề nghị của nhân vật trong bài, xin phép không để tên thật - PV) từ thời ông cha đã nổi tiếng có uy tín, tay nghề cao với nghề giết mổ.
Và cũng từ uy tín này mà dự án phối hợp với phía Úc xây dựng cơ sở và thực hiện quy trình giết mổ bò Úc được cấp phép theo tiêu chuẩn ESCAS của Úc, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam đã đến với gia đình thông qua một công ty trung gian ở Việt Nam đã có thâm niên lâu năm trong việc phối hợp với Úc về mặt hàng bò.
Nhận thấy bò Úc đang dần trở nên có giá và được ưa chuộng ở thị trường trong nước, cũng như đây là cơ hội để làm ăn lâu dài, được đảm bảo, gia đình ông NV đã chính thức đồng ý hợp tác xây dựng cơ sở giết mổ bò Úc theo đúng tiêu chuẩn.
Điều đáng nói là để có cơ sở giết mổ bò Úc như vậy, theo yêu cầu, gia đình ông NV đã bỏ ra tiền tỷ để đầu tư nhà xưởng, chuồng trại, thiết bị và kể cả tôn cao con đường đi để bò khi di chuyển từ xe xuống cơ sở không phải “sốc” vì độ cao. Phía Úc cũng có hỗ trợ vật chất cho cơ sở của ông NV, tuy nhiên không nhiều.
Khoang nơi thực hiện việc giết bò |
Không những đảm bảo về thoáng khí, thoát nước hợp vệ sinh, giữa các khoang còn phải có sự ngăn cách riêng biệt để bò không nhìn thấy đồng loại của mình bị giết, xẻ thịt. Việc giết bò Úc phải thực hiện theo đúng quy định như: có khoang giết mổ riêng, không để bò đứng chờ quá lâu trước khi bị giết, quá trình giết mổ nhân đạo bắt buộc phải sử dụng súng bắn hơi nén có lượng chất vừa đủ gây tê choáng vào vị trí huyệt tử của bò hoặc dùng sử dụng sốc điện chứ tuyệt đối không dùng cách nào khác.
Trong cơ sở giết mổ của gia đình ông NV có thể thấy các quy định về “Những điều không được phép thực hành với bò Úc” và “Vị trí chuẩn xác để bắn bò” đều được treo ở các vị trí cần thiết.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2014, trong thời gian đầu cơ sở giết mổ của gia đình ông NV hoạt động rất hiệu quả, với công suất giết mổ 50-60 con bò một ngày. Bò Úc đúng tiêu chuẩn có gắn chíp theo dõi ở tai được cơ sở giết mổ nhập hàng ngày từ nguồn cung cấp đảm bảo đã được ký kết trong hợp đồng với phía Úc và công ty ở Việt Nam.
Tuy nhiên sau đó, số lượng giảm dần xuống còn 20-30 con và cuối cùng trước khi đóng cửa vào tầm tháng 2 năm nay, cả ngày chỉ có vỏn vẹn 2 con bò Úc được giết mổ theo đúng quy trình tại cơ sở. Điều này đồng nghĩa với sự thất nghiệp của gần 40 nhân công. Lý giải nguyên nhân, ông NV buồn rầu nói: “Khi đầu tư cơ sở giết mổ đúng quy chuẩn thế này, chúng tôi không hình dung nổi mình sẽ bị “đánh gục” vì một nguồn bò Úc nhập trôi nổi từ các cơ sở giết mổ không phép”.
Theo con số mà ông NV đưa ra, thịt bò Úc từ cơ sở giết mổ cung cấp cho thị trường có giá 170.000 đồng/cân xô, trong đó cơ sở giết mổ không phép chỉ giao với giá 160.000 đồng thậm chí là 150.000 đồng vì các lý do: nguồn bò kém chất lượng nên giá rẻ; không mất tiền đầu tư cơ sở giết mổ theo đúng tiêu chuẩn. “Chỉ những người trong nghề mới phân biệt nổi đâu là thịt bò chuẩn, đâu là thịt bò trôi nổi. Còn với người tiêu dụng thì thịt giống thịt, cứ giá rẻ thì sẽ được quan tâm hơn” – ông NV cho biết.
Với những “yếu tố ngoại cảnh” như vậy thì cơ sở giết mổ đúng chuẩn của gia đình ông NV buộc phải “cửa đóng then cài” cũng là điều dễ hiểu, dù rằng chủ cơ sở, phía Úc cũng như công ty ở Việt Nam không hề mong muốn điều đó.
Quay lại với câu chuyện người Úc “sốc” vì cảnh giết bò bằng búa tạ ở Việt Nam, được biết Tổ chức Bảo vệ động vật Animals Australia đã thu thập và đệ đơn khiếu nại lên Bộ Nông nghiệp nước này để xem xét biện pháp can thiệp.
Hình ảnh mà Tổ chức Bảo vệ động vật Animals Australia đính kèm vào đơn khiếu nại là cảnh một người đang dùng búa tạ chuẩn bị hành quyết con vật bị trói chặt đầu vào cột nhà đã gây phản ứng từ những người bảo vệ động vật tại Úc và họ yêu cầu phải có biện pháp can thiệp từ phía chính phủ để chấm dứt hình thức giết mổ này. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ NN&PTNT trên phương diện Nhà nước, Bộ NN&PTNT chưa nhận được công văn gì từ Bộ Nông nghiệp Úc về vấn đề này.
Theo nguồn tin từ báo chí thì hiện nay ở Việt Nam, cụ thể là ở TP.HCM có 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại Vissan và An Hạ ở Củ Chi, cả hai đều dùng phương pháp gây ngất, gây choáng chứ không dùng búa. Tại Hà Nội có 11 đơn vị được cấp phép giết mổ bò nhập khẩu từ Úc và cũng có sự giám sát chặt chẽ từ các đơn vị thú y cũng như các nhà cung cấp bò nhập khẩu từ Úc.
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu bò lớn thứ hai của Úc, với 178.000 con bò được xuất sang Việt Nam trong năm 2014. Từ cuối năm 2012, phía Úc đã siết chặt việc quản lý giết mổ đối với bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam theo quy chuẩn ESCAS. Đây là tiêu chuẩn được Chính phủ Úc đặt ra đối với các cơ sở giết mổ để đảm bảo bò được đối xử nhân đạo và không bị đau đớn.
Bất cứ đơn vị nào vi phạm các điều kiện sẽ ngay lập tức bị cắt hợp đồng và không được cung cấp bò Úc, như ví dụ đã từng diễn ra ở Indonesia vào năm 2011 do những tiết lộ về việc giết mổ thiếu nhân đạo tại đây.
Súng bắn hơi nén và đạn có lượng chất vừa đủ gây tê choáng con bò |
Thông tin từ Cục Thú y cho thấy, việc đối xử nhân đạo hay nói cách khác là đảm bảo phúc lợi cho động vật là một trong những tiêu chuẩn để hội nhập quốc tế. Việt Nam đã và đang quan tâm để thực hiện nội dung này, thậm chí hiện thực hóa trong văn bản, quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong Dự thảo Luật Thú y đang trình Quốc hội xem xét và dự kiến thông qua trong năm 2015 có riêng điều khoản quy định động vật phải được đối xử nhân đạo, không sử dụng các hành vi gây đau đớn, tàn bạo đối với động vật trong quá trình nuôi dưỡng, nghiên cứu khoa học và khi giết mổ.
Theo thống kê của Cục Thú y, cả nước đang có 34.642 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó chỉ có khoảng 12.392 điểm giết mổ (chiếm 35,8%) được kiểm soát. Có 49 tỉnh còn tồn tại giết mổ nhỏ lẻ heo, 55 tỉnh giết mổ nhỏ lẻ trâu bò, 48 tỉnh có tình trạng giết mổ gia cầm hoạt động chủ yếu ở các hộ gia đình, trong các khu dân cư.
Do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên các điểm, hộ giết mổ thủ công, giết bò bằng búa vẫn đang tồn tại ở các hộ gia đình nằm rải rác trong các khu dân cư. Hiện tại, Cục Thú y đang xúc tiến chuẩn bị tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về nội dung đối xử nhân đạo với động vật dành cho đơn vị quản lý nhà nước ở cơ sở, chủ các mô hình chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật.
Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ban hành chính sách xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và chính sách hỗ trợ các hộ giết mổ nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, các địa phương phải tham gia quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý và kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm để từng bước chấm dứt tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm bằng thủ công”.
... Có thể thấy, mong muốn về việc quy chuẩn hóa trong hoạt động giết mổ, đồng thời hạn chế dần số lượng các cơ sở giết mổ không phép nhỏ lẻ của Cục Thú y là hoàn đúng đắn. Có như vậy, những trường hợp “bị đánh gục” vì… hoạt động chính tắc (!) như gia đình ông NV mới được giải quyết và đối tác nước ngoài mới thay đổi được cái nhìn định kiến về Việt Nam trong việc đối xử nhân đạo với động vật.