Không thể dành nhiều ưu thế cho một bộ phận DNNN

(PLO) - Mặc dù hệ thống pháp luật đã nỗ lực đặt doanh nghiệp nhà nước trong một khung khổ chung với doanh nghiệp khu vực tư nhân, nhưng sự thực thi và ứng xử của Nhà nước cũng như các chủ thể khác đã tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận doanh nghiệp nhà nước này…
Doanh nghiệp nhà nước có nhiều ưu thế trong tiếp cận với tín dụng trong, ngoài nước
Doanh nghiệp nhà nước có nhiều ưu thế trong tiếp cận với tín dụng trong, ngoài nước
Thực tế nói trên đang làm “méo mó” thị trường và bản thân các doanh nghiệp nhà nước cũng không thể đảm nhiệm được vai trò chủ đạo.
Chủ đạo vẫn… “bám váy mẹ”
Tại Hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước: Ràng buộc ngân sách, khung khổ quản trị và biến dạng thị trường” do Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN của CIEM đã điểm qua một loạt lĩnh vực kinh tế quan trọng như điện, xăng dầu, khoáng sản, dịch vụ viễn thông, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng, đường  sắt… đều do các tập đoàn, tổng công ty thống lĩnh, chi phối thị trường. 
Mặc dù tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại chưa đến 20% nhưng lại tập trung vào một số ít tập đoàn, tổng công ty lớn. “Nhiều ngân hàng thương mại ưu tiên cho DNNN vay, đặc biệt là một số tập đoàn, tổng công ty lớn. Điều này làm tập trung nguồn lực vào một số DNNN khiến rủi ro cao và DNNN quá lớn để sụp đổ…” – ông Trung cảnh báo.
Vẫn biết là DNNN làm ăn kém hiệu quả, song các ngân hàng vẫn “thích” cho các DN này vay. Thực trạng này theo lý giải của TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM là do các ngân hàng ngầm hiểu hoặc được chỉ đạo cho DNNN vay sẽ an toàn vì có Chính phủ đứng sau. “Thậm chí các ngân hàng này còn cho rằng mình đã góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị khi cho DNNN vay…” -  ông Cung hài hước. 
Không chỉ có ưu thế khi vay vốn tín dụng trong nước, các DNNN đặc biệt có lợi thế trong vay nợ nước ngoài. Thực tế cho thấy, phần lớn các khoản vay nước ngoài của các DN Việt Nam dành cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 
Nguyên nhân được chỉ ra là Luật Quản lý nợ công không phân biệt loại hình DN nhưng có ưu tiên cho các loại hình dự án mà trên thực tế thuộc về một số tập đoàn, tổng công ty (Khoản 2 Điều 33, Khoản 2 Điều 24). Ngoài ra tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước “thực hiện một số nhiệm vụ nhà nước giao” được ngân sách nhà nước cấp một số khoản chi hàng năm. 
Số liệu CIEM đưa ra cho thấy: báo cáo dự toán chi năm 2015 là 1.473 tỷ đồng, năm 2014 là 2.286,5 tỷ đồng, năm 2013 là 751,5 tỷ đồng, năm 2012 là 5.757 tỷ đồng, năm 2011 là 5.202,87 tỷ đồng, năm 2010 là 5.048,57 tỷ đồng… Đặc biệt, các DNNN công ích, quốc phòng an ninh còn được chuyển từ tài sản nhà nước (các công trình xã hội) thành tài sản của DN…
Doanh nghiệp tư nhân hết “cửa”… lớn
Sẽ là khập khiễng khi so sánh những ưu đãi thực tế mà DNNN được hưởng so với DN tư nhân trong khi pháp luật đặt các DN này trong cùng một “sân chơi” bình đẳng. “DNNN là nguồn gốc phát sinh “méo mó” thị trường, rào cản đối với cải cách và phát triển kinh tế quốc gia.  Nếu không thanh toán được nợ thì cho khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ hoặc chuyển nợ sang DN khác, hoặc Chính phủ đứng ra nhận nợ và trả nợ thay; không thanh toán được thuế thì cho nợ, giảm, thậm chí xóa nợ…”- ông Cung nói.
Không chỉ chịu sức ép từ DNNN, theo bà Phạm Chi Lan, khu vực DN tư nhân còn chịu sức ép từ DN FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). “Chúng ta vẫn nói DN FDI được đối xử bình đẳng như DN trong nước, nhưng DN FDI không muốn được đối xử như DN tư nhân Việt Nam mà họ muốn được như DNNN của Việt Nam. Và thực tế chúng ta đã có những ưu ái cho khu vực DN này mà hệ quả là khu vực DN tư nhân chịu sức ép từ khu vực DNNN và cả khu vực FDI…” - bà Lan phân tích.
Không chỉ làm “méo mó” thị trường, theo bà Lan, chính những sự ưu ái này đang làm “méo mó” chính sách pháp luật của Việt Nam. “Rõ ràng giữa Luật, Nghị định, văn bản thi hành  khác nhau “một trời, một vực”. Trong Luật không có chỗ nào nói phân biệt đối xử nhưng từ luật đến thực thi luật là cả vấn đề. Nói thẳng ra là DNNN đang làm biến dạng hệ thống chính trị, lẫn lộn giữa quản trị nhà nước nói chung với quản trị DN, đẩy hệ thống không hành xử theo luật…”- bà Lan thẳng thắn.
Nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là quan niệm về vai trò, chức năng của DNNN không còn phù hợp. “Kinh tế nhà nước là chủ đạo, hàm ý DNNN là then chốt, là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nhà nước. Như vậy, tất nhiên nó phải lớn. Nhưng khi DNNN không thể thu hẹp, không thể cổ phần thì cũng không thể để cho phá sản và chúng quá lớn để có thể đổ vỡ. Vinashin là ví dụ”- ông Cung dẫn chứng. 
Vị này còn cho rằng 30 năm trôi qua, đổi mới DNNN vẫn là câu chuyện thời sự, cần xem xét lại vai trò, chức năng của DNNN. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, điều này là “không dễ làm”, nhưng cũng không có cách nào khác, bởi phải cải cách DNNN mới phát triển được DN tư nhân, dư địa cho tư nhân không còn nếu không cải cách được DNNN…
Theo ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM), nếu tính các DN có 100% sở hữu vốn nhà nước thì hiện Việt Nam có xấp xỉ 800 DNNN, tổng tài sản lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 80% GDP. Trong khi đó, tổng tài sản của DNNN ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) chỉ khoảng 15% GDP. Như vậy, quy mô DNNN ở Việt Nam rất lớn. Vốn chủ sở hữu là 1,1 triệu tỷ đồng; nợ phải trả là 1,7 triệu tỷ đồng; doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 180 nghìn tỷ đồng.

Đọc thêm