Không “bắt” cá nhân công dân chứng minh lý lịch trong sạch

(PLO) - Ngày 8/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Hội đồng để cho ý kiến tư vấn đối với những định hướng, chính sách lớn xây dựng Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) sửa đổi. 
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Khoa học.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Khoa học.

Một trong những vấn đề lớn được Bộ trưởng – Chủ tịch Hội đồng yêu cầu tập trung liên quan đến việc sửa đổi đối tượng cần cấp Phiếu LLTP như thế nào để không cổ súy việc cơ quan, tổ chức “đòi” công dân cung cấp Phiếu, nhất là Phiếu số 2.

Phiếu LLTP số 2 đang bị lạm dụng

Báo cáo Hội đồng Khoa học Bộ về Dự án Luật LLTP sửa đổi, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết: Sau 6 năm triển khai thi hành Luật LLTP, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong bối cảnh hiện nay, với yêu cầu cao hơn trong quản lý nhà nước và nhu cầu xã hội ngày càng cao, Luật LLTP hiện hành trở nên bất cập, không đáp ứng được thực tiễn. Cụ thể là quy định về đối tượng và phạm vi quản lý LLTP có những điểm không phù hợp, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (trong đó có chế định đương nhiên được xóa án tích); quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 (nêu hết các nội dung về LLTP, kể cả án tích đã được xóa) đang bị lạm dụng; hoạt động cấp Phiếu LLTP chưa thật sự đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính…

Ông Hùng phân tích, qua thực tế triển khai thi hành quy định về Phiếu LLTP số 2, Phiếu này đang bị lạm dụng, ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta. Điều đó ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích, gây khó khăn cho cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp lý. 

Để giải quyết tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2 hiện nay, cần thiết sửa đổi quy định của Luật LLTP về việc tiếp cận, sử dụng Phiếu số 2 như quy định chặt chẽ hơn về hình thức của Phiếu, về đối tượng được quyền yêu cầu cấp Phiếu số 2. Theo đó, Trung tâm LLTP quốc gia đề xuất quy định chỉ cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2. Còn cá nhân chỉ có quyền quan sát trên màn hình thông tin LLTP của mình và không được sao chép dưới bất cứ hình thức nào, tương tự quy định của CHLB Đức.

Nhiều chuyên gia và thành viên Hội đồng Khoa học Bộ bày tỏ sự nhất trí cao với việc sửa đổi quy định nhằm hạn chế sự lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2. Từ trải nghiệm của bản thân, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chia sẻ chính ông mới đây phải đi “xin” Phiếu số 2 để chứng minh mình trong sạch và mong muốn việc sửa đổi Luật LLTP sẽ không “bắt” những người lương thiện vốn chiếm số đông trong xã hội phải chứng minh lý lịch mà chỉ cần cam đoan. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhận định, cơ chế hiện hành tạo ra tình trạng “một người đau bắt cả làng uống thuốc” và làm gia tăng chi phí xã hội nên cần thiết phải nghiên cứu kỹ quy định này.

Chủ động thực hiện chế định đương nhiên xóa án tích

Cũng theo ông Hùng, Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giao hẳn trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong việc theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên cho người bị kết án. Ngoài ra, Điều 369 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định thủ tục xóa án tích, trong đó khoản 1 nêu rõ: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp Phiếu LLTP là họ không có án tích”. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP được đề cao và phải chủ động trong việc theo dõi, cập nhật thông tin về án tích, đặc biệt là phải chủ động trong việc tiến hành xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để bảo đảm đáp ứng thời hạn cấp Phiếu LLTP liên quan đến trường hợp đương nhiên xóa án tích quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thi hành quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về giao trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong cập nhật, xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, thì cần thiết phải bổ sung trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin về việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, ông Hùng phản ánh khó khăn trong việc cập nhật ở chỗ cơ sở dữ liệu LLTP hiện chỉ có thông tin từ khi một người bị kết án bởi một bản án có hiệu lực pháp luật, chứ không có thông tin về hành vi phạm tội cũng như quá trình tố tụng có liên quan.

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn lại cho rằng, tuy Trung tâm LLTP quốc gia nêu khó khăn này nhưng cần phải làm được thì thực sự là đổi mới về chất trong công tác LLTP và tất nhiên rất cần sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề xuất, để cập nhật thông tin thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP đề nghị cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, cơ quan có thẩm quyền thuộc VKSNDTC cung cấp thông tin, chứ không yêu cầu Sở Tư pháp nơi người bị kết án cư trú tiến hành xác minh. 

Đọc thêm