Nốt trầm của một phận đàn bà

(PLO) - Bây giờ, một mình bà thui thủi trong căn nhà quạnh vắng. Mỗi bữa cơm chỉ một chiếc bát, một đôi đũa, một bóng người ngồi ăn. Bà sợ lắm, những ngày mưa gió thất thường ốm đau không ai bên cạnh. Đã có lần bà mệt đến nỗi không thể ngồi dậy, chiếc điện thoại để đầu giường mà vẫn không đủ sức với tay ra…
Bà Hồng Minh ôn lại những năm tháng rực rỡ của tuổi trẻ.
Bà Hồng Minh ôn lại những năm tháng rực rỡ của tuổi trẻ.
Bài thơ tình duy nhất của thời tuổi trẻ
Bà Bùi Thị Hồng Minh trú tại tổ dân phố 10, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội năm nay đã bước sang tuổi 71. Dáng người bà nhỏ thó nhưng vẫn toát lên vẻ cứng rắn và nhanh nhẹn. Bà có một thời tuổi trẻ đầy nhựa sống. Nhựa sống ấy, bà tận dụng từng giây, từng phút một để cống hiến cho đất nước. 
Năm 14 tuổi, trong khi những đứa trẻ khác trong làng vẫn còn ham những trò đuổi bắt, nhảy dây thì bà vừa đi học vừa đi thồ phân về bón lúa, vừa tranh thủ làm liên đội trưởng đội thiếu niên của thôn, làm thông tin công an viên… 
Nhớ lại quá khứ, giọng bà hào sảng: “Ngày ấy khi làm thông tin công an viên tôi phải cầm loa trèo lên cái cây cao nhất làng để truyền đạt thông tin đến người dân. Gọi là cái loa nhưng thực chất đó là một quả bầu hoặc quả mướp khô rỗng ruột, nhìn buồn cười nhưng nom vẫn ra dáng người nhớn lắm”.
Cùng với đó, cô gái Hồng Minh ngày đó còn được tin tưởng giao cho trọng trách làm cô giáo mầm non, rồi lại tham gia vào lực lượng dân quân của thôn và được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tặng Huy hiệu “Dân quân tiên tiến”. Công việc bộn bề nhưng cô gái nhỏ nhanh nhẹn luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. 
Nhờ vậy mà 16 tuổi, Hồng Minh đã được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 17 tuổi được cử đi học cảm tình Đảng và 18 tuổi thì chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi ấy, Hồng Minh đang ở trong độ tuổi đẹp nhất, rực rỡ nhất, sôi nổi nhất của tuổi trẻ. Năm 23 tuổi, trong khi  những người bạn gái đồng trang lứa hầu hết đã lập gia đình, đã làm mẹ thì Hồng Minh vẫn đang say sưa công tác. Cô được tin tưởng bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Phú Lương. 
Thấy cô em gái của mình đã từng ấy tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, người chị gái, lúc này đã lấy chồng về Việt Trì (Phú Thọ) bèn tìm cách giới thiệu cho em làm quen với một người con trai ở gần nhà chồng. Qua nhiều lần gặp gỡ tìm hiểu, thư đi thư lại, Hồng Minh cũng cảm mến và nảy sinh tình cảm với chàng trai ấy. Tiếc là, Hồng Minh và bạn trai có duyên nhưng không có phận.
Ngày ấy, khi Hồng Minh và bạn trai yêu nhau được một năm, đang tính đến chuyện làm đám cưới thì giặc Mỹ bắt đầu đánh phá dữ dội miền Bắc. Bạn trai của Hồng Minh cùng rất nhiều thanh niên khác được động viên lên đường cầm súng đánh giặc  bảo vệ Tổ quốc. Trước hoàn cảnh ấy, Hồng Minh đã cứng rắn giấu đi nỗi buồn trong lòng mình, động viên người yêu ra tiền tuyến. 
Trong thời gian này, với nỗi nhớ mong da diết người yêu, Hồng Minh đã làm bài thơ “Lá thư gửi người yêu ngoài tiền tuyến”. Đây là bài thơ về tình yêu đầu tiên, cũng là duy nhất trong thời tuổi trẻ của Hồng Minh: “Còn anh em dặn một điều này/Vẫn một người xưa buổi chia tay/Chiến thắng anh về quà phải có/Chiếc lược làm quà bằng xác máy bay/Còn em xin hứa mãi với anh/Cây nhài hoa trắng lá vẫn xanh/Lòng em gửi tới hương hoa ấy/Theo gió đông xuân đến bên anh”. Lời nhắn nhủ với người yêu vẫn còn đó nhưng người yêu thì mãi không trở về. Anh đã hy sinh năm 1971 sau một năm cô làm bài thơ đó.
Sau khi được đề bạt làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Phú Lương, hai năm sau bà Hồng Minh tiếp tục được đề bạt làm cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Oai, sau đó là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thanh Oai. Kể từ sau mối tình dang dở ấy, bà Hồng Minh đã khép chặt lòng mình mà tập trung hết tâm lực và trí lực để phục vụ nhân dân. 
Với những đóng góp của mình, bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba năm 1985, được Ủy ban Kiểm tra tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Kiểm tra, được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tặng Huy hiệu Phụ nữ Ba đảm đang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Đoạn kết buồn 
Trong mấy chục năm dài đằng đẵng bà Hồng Minh luôn đi sớm về khuya một mình. Là một người phụ nữ cứng rắn, bà lấy niềm vui trong công việc để khỏa lấp nỗi buồn. Nhưng bắt đầu từ khi nghỉ hưu bà mới thấm thía được cảnh sống cô đơn. Bố mẹ đã mất từ lâu, nhà có ba anh chị em thì em trai cũng đã mất, chị gái lại lấy chồng xa tít Phú Thọ, giờ chỉ còn mình bà thui thủi vào ra một mình.
Biết hoàn cảnh của bà, một người đàn ông vốn có cảm tình với bà từ lâu đã mạnh dạn đến bày tỏ tình cảm và ngỏ ý muốn được cùng bà nương tựa nốt quãng đời còn lại. Người đàn ông ấy đã lập gia đình và có sáu mặt con, nhưng người vợ đã mất từ lâu do bệnh tật. Bà băn khoăn và suy nghĩ nhiều lắm, bởi đó là một người đàn ông tốt, bà cũng cần một bờ vai vững chãi như thế để nương tựa khi trái nắng trở trời. 
Nhưng ngặt nỗi tất cả mọi người trong gia đình hai bên đều không đồng ý. Bà khổ tâm lắm và quyết định dừng lại. Nhưng ông, sau nhiều năm, với tình cảm chân thành của mình đã thuyết phục được bà. Hai người đi đăng kí kết hôn và dọn về sống chung với nhau vào năm 2005.
Trong những ngày tháng sống cùng ông, với bà có lẽ là những ngày tháng hạnh phúc và vui vẻ nhất. Ông lo lắng cho bà từng miếng ăn, giấc ngủ. Hộp tăm hôm nay bà dùng, cái dài, cái ngắn đều là do một tay ông vót. Chỉ tiếc là ngày tháng hạnh phúc với bà “chẳng được tày gang”, sau bảy năm chung sống, ông đã lại ra đi, để bà quay lại với nỗi cô đơn. 
Bà bảo, dù cố tỏ ra cứng rắn nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn: “Tôi đã cố bỏ mặc ngoài tai lời xì xào của dư luận để đến với ông ấy, thế mà nỡ lòng nào ông ấy lại bỏ tôi đi nhanh thế”…

Đọc thêm