Không có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng

(PLVN) - Người vi phạm quy định về cho thuê lại lao động có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, trả tiền lương cho người lao động và  nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động vào ngân sách nhà nước.


Không có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Về xử phạt vi phạm quy định về cho thuê lại lao động, Nghị định nêu rõ, áo dụng mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây: Không thông báo, hướng dẫn cho NLĐ thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của doanh nghiệp (DN); Phân biệt đối xử về điều kiện làm việc đối với NLĐ thuê lại so với NLĐ của DN.

Mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau như: Thuê lại lao động làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động; Ký hợp đồng thuê lại lao động với bên cho thuê lại lao động không có Giấy phép hoạt động dịch vụ cho thuê lại lao động; Thuê lại lao động khi bên thuê lại lao động đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc thuê lại lao động để thay thế NLĐ đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động; Thuê lại lao động để thay thế NLĐ bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách DN hoặc vì lý do kinh tế.

Tiếp đó phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với DN cho thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:  Không lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động, phí cho thuê lại lao động;  Không báo cáo tình hình cho thuê lại lao động theo quy định của pháp luật; Không niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính và bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép tại các chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) của DN cho thuê; Không báo cáo kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

Đối với DN cho thuê lại lao động có một trong các hành vi: Trả lương cho NLĐ thuê lại thấp hơn tiền lương của NLĐ có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau của bên thuê lại lao động; không thông báo hoặc thông báo sai sự thật cho NLĐ biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động; thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của NLĐ, mức phạt tiền được xác định theo từng bậc cụ thể.

Mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ; Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ; Từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ; Từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ; Từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Hoạt động cho thuê lại lao động mà không có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; Chuyển NLĐ đã thuê lại cho người sử dụng lao động khác; Sử dụng giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực để thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động.

Mức phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với DN cho thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây: Cho DN, tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động để hoạt động cho thuê lại lao động; Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động; Cho thuê lại lao động đối với NLĐ vượt quá 12 tháng; Cho thuê lại lao động khi DN cho thuê lại lao động đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc cho thuê lại lao động để thay thế NLĐ đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động; Sửa chữa nội dung Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đã được cấp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, phải trả khoản tiền lương chênh lệch cho NLĐ hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động vào ngân sách nhà nước.

Đọc thêm