Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo, Chính phủ có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo
Một nhiệm vụ quan trọng và được Chính phủ tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt là việc xử lý các vấn đề tồn tại của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ. Kết quả, kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận.
Tiêu biểu là nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau 11 năm đóng băng đã tổ chức đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 ngày 23/3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30/4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào ngày 16/6 tới đây.
Cùng với đó, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Đề án 1468), ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi “danh sách đen” 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đây là kết quả khởi sắc có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Để có được kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất đã có sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt đối với các dự án này. Chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình, Quốc hội cũng có Nghị quyết số 33 từ năm 2016 (Quốc hội khóa XIV).
Trong quá trình chúng ta xử lý các dự án này, Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo. Sự tham gia của các bộ, ngành gồm Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cũng rất sát sao. Các tổ chức tín dụng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và những nhà tài trợ vốn cho dự án cũng đã tham gia rất tích cực, kể cả các giải pháp liên quan đến chính sách như khấu hao…
|
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. |
Những vấn đề liên quan tới chính sách, cơ chế đã căn bản được tháo gỡ và đây cũng là cơ sở để chúng ta báo cáo Bộ Chính trị xử lý bước đầu các dự án. Một số dự án đã được đưa ra khỏi danh mục các dự án nhóm này. Hiện nay, một số dự án đã có khởi sắc thực sự.
Cần có sự quyết liệt đến từng dự án
Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất nhiều thách thức trong xử lý các dự án yếu kém gắn với điều kiện phát triển thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp về pháp lý trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, hay giải quyết khó khăn về tài chính.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng, trong danh mục 12 dự án đang nhiều tồn đọng, đã đưa ra 5, còn lại 7 dự án do đang còn những vấn đề nổi cộm.
Đầu tiên là vướng mắc về Hợp đồng EPC (Hợp đồng nhà thầu trọn gói đối với các dự án này). Trong hợp đồng của tất cả các dự án này đang có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nội dung, bao gồm cả khối lượng, thiết bị, chủng loại thiết bị, kể cả áp dụng chính sách thuế ở Việt Nam. Thứ hai, xét lại tổng quan là vấn đề chi phí, trong đó chi phí tài chính quá cao.
Nếu không giải quyết vấn đề chi phí tài chính thì không mở cho doanh nghiệp khả năng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng so với các doanh nghiệp khác (tức là chi phí tài chính phải tương đương). Còn chưa giải quyết được Hợp đồng EPC thì doanh nghiệp chưa chủ động hoạt động được các dây chuyền và quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Ông Hùng cho biết, Bộ Chính trị giao hỗ trợ cho doanh nghiệp tự chủ quyền chủ động sử dụng nguồn vốn của mình để cơ cấu các dự án còn nhiều vướng mắc. Các tập đoàn, doanh nghiệp cần bám đúng nguyên tắc này, chủ động phương án sản xuất kinh doanh, sản phẩm, có thể đưa ra các phương án để tái cơ cấu các dự án này. Trong quá trình này, sẽ có sự tương tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp.
Dẫn chứng Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 từ một dự án có thể “đắp chiếu chết”, đến giờ chúng ta đã nhìn thấy sự hồi sinh và cả tương lai, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành đối với các dự án còn lại là cực kỳ quan trọng.
“Nếu không có sự chỉ đạo sát sao, có quyết định cụ thể và không có việc bảo vệ cho cán bộ thì không ai dám làm. Đến nay chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của PVN, chắc chắn dự án sẽ về đích”, ông Dũng chia sẻ.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đồng tình, cần có sự quyết liệt đến từng dự án, ví dụ phải chọn phương án xử lý Hợp đồng EPC nhanh chóng nếu không có lựa chọn khác. Cùng với đó, về tư duy, phải hiểu lợi ích tốt nhất có tính thời điểm.
Đồng thời, phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan. Giai đoạn trước 1 người làm, giai đoạn này lại người khác phải chịu trách nhiệm cả quá trình. Việc này phải đảm bảo về mặt pháp luật, ví dụ Nghị quyết 69 của Chính phủ đang sửa phải đưa thành luật. Cam kết tạo ra cơ chế để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm. Tinh thần quyết liệt cần được tồn tại mãi sau này khi giải quyết công việc.