Không dám ăn hàng Tết vì sợ... hàng giả

(PLO) - Cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến thì cũng là mùa làm ăn của hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ những món đồ cao cấp như rượu ngoại đến quà ăn vặt cho trẻ con cũng đang phải đối diện với nguy cơ làm giả.
l Giữa “ma trận” hàng hóa này, không nhiều người tiêu dùng phân biệt được hàng thật, hàng giả.
l Giữa “ma trận” hàng hóa này, không nhiều người tiêu dùng phân biệt được hàng thật, hàng giả.
Tận mắt công nghệ chế rượu giả
Rượu ngoại là một trong những mặt hàng được ưu tiên lựa chọn “ngoại giao” trong dịp Tết, để bạn hàng bày tỏ hữu hảo, để nhân viên tỏ lòng thành với “sếp”. Tuy nhiên, không hiếm lần cả người trao và người nhận đều không biết rằng mình đã xơi “trái đắng” của gian thương khi mua phải rượu rởm. 
Công nghệ pha chế rượu giả cũng khá đơn giản. Một “chuyên gia” đã từng được giới buôn rượu tin cậy giờ đã giải nghệ cho hay, quan trọng nhất là phải có vỏ chai “xịn”, được đầu nậu chuyên đi thu mua tại các quán bar, vũ trường. Nhãn mác, tem kiểm định đã có máy in công nghệ cao. Máy đóng nút chai của Trung Quốc cũng không thể thiếu trong “dây chuyền” sản xuất rượu rởm. 
 Thủ đoạn của “con buôn” là dùng kim chuyên dụng chọc qua nút chai, để hút rượu thật ra  pha chế với cồn, phẩm màu, rượu trắng. Tỷ lệ pha chế bao nhiêu phần trăm rượu thật vào rượu rởm còn tùy thuộc vào “nhà sản xuất”.
Ngay cả những loại rượu cổ chai có bi, được sản xuất trên công nghệ hiện đại, tưởng chừng như “bất khả xâm phạm” cũng đều bị làm giả. Một nhân viên quán bar tại Mỹ Đình (Hà Nội) khẳng định với phóng viên: “Rượu nào cũng làm giả được”. 
Nhân viên này có nhiều năm kinh nghiệm phục vụ tại các quán bar, vũ trường nói thêm: “Rượu giả nhưng vẫn phải chế thêm rượu thật vào khách mới khó phát hiện. Những loại có bi thì không phải ai cũng biết cách rút rượu ra như thế nào, nên có rất ít nơi chế được loại này”.
Bánh kẹo hàng hiệu “made in Dương Liễu”
Hai xã Dương Liễu, La Phù huyện Hoài Đức từ lâu đã nổi tiếng là “thánh địa” sản xuất hàng giả. Bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… nhái lại các hãng nổi tiếng trong nước như Hải Hà, Hữu Nghị, Kinh Đô... được sản xuất số lượng lớn rồi vận chuyển về tiêu thụ tại các tỉnh và vùng nông thôn. 
Tất cả các cơ sở sản xuất đều kín cổng, cao tường, bảo vệ canh gác nghiêm ngặt. Công nhân chỉ tuyển người địa phương, người lạ lai vãng nhòm ngó nơi sản xuất là ngay lập tức có người ra “hỏi thăm”, thấy khả nghi là tìm cách “tiễn khách” hoặc phát tín hiệu vào trong để cảnh báo. 
Tháng giáp Tết tại địa phương này, ô tô tải vận chuyển hàng tấp nập. Những người dân ở đây cho biết, một phần cung cấp cho các cửa hàng tạp hóa bán lẻ tại Hà Nội, còn phần lớn hàng sản xuất ra được vận chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước. 
Giá rẻ là ưu điểm để hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường dễ dàng. Chị Thu - chủ cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Cầu Diễn cho hay: “Mới mở hàng được vài ngày đã có chú bên nghiên cứu thị trường đến tiếp thị rồi. Bánh kẹo, bim bim đủ các loại, không thiếu thứ gì”. Khi được hỏi về nguồn gốc những mặt hàng này thì chị Thu cũng không rõ: “Lúc nào hết thì gọi điện là người ta mang tới thôi, chứ có biết công ty nó ở đâu đâu”. 
Mặc dù “làng” hàng giả, hàng kém chất lượng Dương Liễu xuất hiện từ lâu và nhiều người biết đến, nhưng đến nay vấn nạn hàng giả vẫn tồn tại nơi đây mà cơ quan chức năng chưa có giải pháp giải quyết triệt để. 

Đọc thêm