Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng BĐS được coi là một trong những “giá trị” đo lường sự giàu có của cá nhân, là “Chíp” đánh giá sự phát triển của kinh tế - xã hội của một quốc gia. Bởi, BĐS là lĩnh vực phản chiếu khả năng tồn tại và phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như mức sống của người dân.
Đề tài khảo sát “Tác động của BĐS đến nền kinh tế như thế nào?” của Hiệp hội các Nhà phát triển bất động sản châu Âu – EPRA và Tổ chức phi lợi nhuận - INREV cũng đã kết luận: BĐS có vai trò lớn trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và duy trì sự phát triển bền vững.
Không phải tự nhiên mà BĐS được nhìn nhận là cái “xương sống” của nền kinh tế. Bởi theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), lĩnh vực BĐS tác động mạnh mẽ đến sự thanh khoản của cả một chuỗi, gồm: xây dựng, vật liệu, du lịch, nghỉ dưỡng… và tham gia vào điều tiết trong nhiều ngành kinh tế khác, như cung ứng lao động, sản xuất đến thương mại, đầu tư và kể cả chất xám của rất nhiều ngành nghề khác nhau.
Thế nhưng, thời gian qua thị trường BĐS có nhiều vướng mắc, nhất là trong khâu thủ tục hành chính, cấp phép. Điều này khiến doanh nghiệp BĐS không thể triển khai, đã làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế.
Tại Hội thảo “Lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhằm cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực BĐS” tổ chức tại TP.HCM vừa qua, hầu hết các ý kiến đều có chung một nhận định, đó là thị trường BĐS trong ba năm qua đã giảm mạnh, nguyên nhân là do cơ chế và thủ tục, cũng như các văn bản luật chồng chéo, thiếu tính khoa học và không mang tính bền vững. Nguyên nhân này cũng được HoREA chỉ ra trong báo cáo mới đây gửi lãnh đạo TP.HCM.
Vì vậy, tại văn bản số 16/2020/CV- HoREA gửi VP Chính phủ và các bộ ngành có liên quan, Chủ tịch HoREA – Lê Hoàng Châu cũng đã đề xuất quy trình thủ tục “5 Bước”, bao gồm: (1) lập thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; (2) Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; (3) Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; (4) Lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất theo quy định và (5) lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư.
Ông Châu giải thích thêm, việc kéo dài thời gian cấp thủ tục hành chính chính là lãng phí rất lớn tiền của của doanh nghiệp. “Luật không phù hợp với thực tế, khiến cho thị trường BĐS bị ách tắc, gây tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, làm thất thu ngân sách của nhà nước và khiến cho lĩnh vực BĐS trở thành “gánh nặng” của nền kinh tế, không đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã kỳ vọng”.