Không để thiếu hàng, ’sốt’ giá dịp Tết

Cùng với nỗ lực của Chính phủ, các địa phương đặc biệt là hai thành phố lớn nhất cả nước đang tập trung bình ổn giá và quyết không để thiếu hàng, sốt giá trong dịp tết nguyên đán…

Những ngày này, cùng với nỗ lực của Chính phủ, các địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn nhất cả nước tập trung bình ổn giá và quyết không để thiếu hàng sốt giá trong dịp tết nguyên đán…

Hà Nội: Chủ động dự trữ hàng hóa

Tại Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội vừa phối hợp với các ngành chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn trên địa bàn dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá lên cao. 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại TP trong tháng Tết Tân Mão 2011 ước  tăng từ 20-22% so với các tháng khác trong năm. Để góp phần kiềm chế việc tăng giá hàng hóa, Sở đã phối hợp với các ngành chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn trên địa bàn dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá lên cao.

Cụ thể: Tổng Cty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại; Cty Xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu; Tổng Cty Bia-Rượu-Nước giải khát chuẩn bị trên 75 triệu lít rượu bia các loại; Cty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội sẽ đưa ra thị trường khoảng 400 tấn bánh mứt kẹo các loại; Cty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm, Cty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, Cty Thực phẩm Vinh Anh, Cty TNHH Minh Hiền, Cty TNHH Chăn nuôi Việt Hưng dự trữ 900 tấn thịt lợn sạch, 1.000 tấn thịt gia cầm an toàn. Các trung tâm thương mại như Metro Thăng Long, Big C, hệ thống siêu thị Intimex, Fivimart, Coop Mart dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền trên 1.200 tỷ đồng.

Đặc biệt, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và các đơn vị thành viên dự trữ gần 500 tấn thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm; 860.000 quả trứng gia cầm; 2.568 tấn thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến; 3,22 triệu lít dầu ăn; 1,7 triệu chai (lon) rượu, bia, nước ngọt; 570 tấn bánh mứt kẹo và 500 tấn rau củ quả các loại…, tổng trị giá khoảng 785 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khác và các hộ kinh doanh tại các chợ, các cửa hàng đường phố dự kiến đưa ra tiêu thụ khoảng 2.000 tấn thịt trâu bò, 10.000 tấn thịt lợn, hơn 3.500 tấn thịt gia cầm, 6.000 tấn thủy hải sản, 50.000 tấn rau củ quả.

Đối với 14 doanh nghiệp được thành phố tạm ứng 400 tỷ đồng vốn bình ổn giá đã dự trữ đầy đủ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ Tết. Như vậy, cùng với số tiền các doanh nghiệp chủ động dự trữ, tổng số lượng 9 nhóm mặt hàng dự trữ phục vụ bình ổn thị trường đáp ứng trên 15% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố.

TP HCM: Xử lý nghiêm nạn đầu cơ

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 vào chiều 26/11, lãnh đạo UBND TP. HCM khẳng định quyết tâm thực hiện bình ổn giá, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ.

Chương trình bình ổn giá trong năm 2010 cho đến tết Tân Mão đã được UBND TP.HCM triển khai từ đầu tháng 6/2010. Theo đó, sẽ bình ổn 8 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và giao cho 14 doanh nghiệp đầu mối có năng lực, sản xuất kinh doanh phân phối tham gia bình ổn với tổng mức hỗ trợ vốn là 380,6 tỷ đồng. Trước và sau Tết 2011, giá bán của doanh nghiệp tham gia chương trình thấp hơn giá sản phẩm từng loại trên thị trường ít nhất là 10% trong suốt quá trình thực hiện bình ổn. 

Theo Sở Tài chính, 120 doanh nghiệp ở TP phải đăng ký giá đối với 12 loại hàng hóa theo quy định của Bộ Tài chính, đến nay đã làm xong. Các tổng công ty thuộc TP đều cam kết đủ nguồn hàng thiết yếu cung cấp cho thị trường với giá bán theo chính sách bình ổn. Các quận huyện đều báo cáo không có biến động giá cả hay tăng giá bất hợp lý ở địa bàn, đồng thời cam kết kiểm soát chặt chẽ thị trường và chịu trách nhiệm về vấn đề biến động giá cả trước UBND TP.

Nhấn mạnh thêm giải pháp bình ổn giá, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cho rằng yếu tố quyết định hiệu quả của chương trình bình ổn giá không chỉ ở chỗ cung cấp đủ hàng hóa mà còn phụ thuộc rất lớn vào mạng lưới phân phối.

Theo ông Tài, các mặt hàng bình ổn giá có thật sự đến tay người tiêu dùng nói chung và đối với công nhân, người dân vùng sâu, vùng xa nói riêng là phụ thuộc vào mạng lưới bán hàng, nên đề nghị tiếp tục mở rộng mạng lưới này.

Một số đơn vị đã hưởng ứng như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn hứa trong tháng 12 sẽ mở rộng mạng lưới để nâng các điểm bán hàng bình ổn giá lên 67 điểm, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn mở thêm 8 điểm bán hàng bình ổn giá...

Sở Công Thương đề nghị ngoài 8 mặt hàng thiết yếu tham gia bình ổn, TP cần đưa thêm mặt hàng thủy hải sản vào danh mục các mặt hàng tham gia bình ổn và phân phối đến tận các điểm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài chính, qua kiểm tra, nhiều cửa hàng treo bảng điểm bán hàng bình ổn giá nhưng thực tế không có hàng. Ngoài ra, cũng có tình trạng doanh nghiệp trữ hàng để chờ giá rục rịch tăng sẽ tung ra bán. Sở sẽ đẩy mạnh kiểm tra và kiên quyết xử lý mạnh những vi phạm về giá.

T.H

Đọc thêm