TS. Nguyễn Mai Hồng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết khi trẻ bị bệnh cơ tim giãn kết hợp với sốc phản vệ làm tình trạng bệnh của trẻ thêm nặng và mệt mỏi hơn.
Nếu như chỉ bị sốc phản vệ do sau khi tiêm vắc xin mà không có yếu tố bệnh lý nền là cơ tim giãn thì khả năng cứu sẽ cao hơn. Còn khi đã mắc bệnh cơ tim thì khả năng cứu sống thấp vì cơ tim đã giãn nên không còn sức co bóp.
Với những trường hợp có bệnh lý như trên thì trước khi tiêm loại vắc xin nào hoặc trước một quyết định can thiệp nào về sức khỏe nên có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Ví dụ trẻ này bị bệnh cơ tim giãn thì nên tiêm loại vắc xin nào và tiêm vào thời gian nào.
Còn theo GS. TS. BS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, để hạn chế và phòng tránh những tai biến trong và sau khi tiêm chủng, cách đơn giản và hữu hiệu nhất là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm.
Trước khi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, người bác sĩ khám sàng lọc cần phải đánh giá được chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ thông qua việc bác sĩ khám trực tiếp và tìm hiểu thông tin từ người nhà bệnh nhân.
Tuy nhiên, để đánh giá chính xác được tình trạng sức khỏe của trẻ thì cán bộ tiêm chủng phải có chuyên môn vững vàng. Cùng với đó, người nhà bệnh nhân cũng phải có trách nhiệm thông báo tất cả những vấn đề sức khỏe của trẻ như tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng đã và đang dùng thuốc gì…
Không nên vì nôn nóng muốn tiêm cho con cho xong mà vô tình đẩy trẻ đến gần những mối nguy hiểm do phản ứng sốc phản vệ sau tiêm chủng.