Không mặt tiền, vẫn thu “bộn tiền”

Với sự trợ giúp của nhiều website thương mại điện tử và rao vặt hiện nay, những chủ cửa hàng nhỏ muốn khởi sự kinh doanh đã dễ dàng hơn rất nhiều. Thứ “vũ khí” mà họ có chính là mối quan hệ và kỹ năng dùng máy tính, truy cập internet tốt.

Với sự trợ giúp của nhiều website thương mại điện tử và rao vặt hiện nay, những chủ cửa hàng nhỏ muốn khởi sự kinh doanh đã dễ dàng hơn rất nhiều. Thứ “vũ khí” mà họ có chính là mối quan hệ và kỹ năng dùng máy tính, truy cập internet tốt.

Từ các shop online…

Xu hướng dễ thấy hiện nay là nhiều người lên mạng tìm kiếm thông tin, so sánh giá thành sản phẩm trước khi mua một món đồ đáp ứng nhu cầu. Đây chính là cơ hội cho những người muốn khởi nghiệp kinh doanh bằng các “gian hàng” online.

Thu Tuyền, có gian hàng online cho biết: “Có mối hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc), tôi cùng hai người chị em chung vốn bán quần áo trẻ em trên mạng. Đầu tiên tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, người quen, sau giới thiệu với các thành viên trên diễn đàn mà mình tham gia…”.

Công cụ “phát tán thông tin” của họ chính là nick yahoo, ảnh thì up lên flickr.com, rồi thông báo trên một diễn đàn. Khách hàng chỉ việc “chấm” món đồ ưng ý, đọc mã số và cho địa chỉ chính xác là được giao hàng miễn phí (với khu vực nội thành).

Khi có kinh nghiệm và khách hàng, chị Tuyền chuyển sang mở gian hàng trên một số website thương mại điện tử…

“Giá cả mang khách đến, uy tín thu tiền về” lại là slogan của anh  Đỗ Phú Quyền. Từ một người thường mò mẫm trên mạng tìm sim số điện thoại đẹp, anh mở một gian hàng trên ChợĐiệnTử và chỉ ít lâu sau thu về những khoản lãi đầu tiên.

Đến nay, ngoài việc tạo dựng được uy tín, Quyền còn đúc rút được kinh nghiệm: tuy hình thức mua bán là ảo nhưng giao dịch, lòng tin với khách hàng thì luôn phải thật.

Theo anh Quyền, các yếu tố quyết định thành công cho kinh doanh vẫn là giá cả, uy tín và chính sách ưu tiên khách quen!

Bên cạnh hình thức mới của việc bán mua, tiếp thị sản phẩm, thị trường rao vặt online còn minh chứng hùng hồn cho câu “có Cầu ắt có Cung”, khi các sản phẩm – dịch vụ phục vụ tận nhà ngày càng dài thêm: từ dịch vụ làm đẹp tại nhà (nối tóc - làm đầu, chăm sóc móng, trang điểm theo sự kiện…) cho đến thực phẩm, đồ ăn (cà-phê, nước chanh tươi đóng chai, ruốc nấm, thịt nướng…).

Đến hàng thửa, đồ “xách tay”

Chị Thúy (Hà Nội) cho biết, uy tín bán giày và túi “xách tay Hàn Quốc” của chị được gây dựng từ cách đây hai năm.

Hình thức đặt hàng khá đơn giản: hướng dẫn khách vào trang web gmarket.co.kr chọn mẫu, đặt tiền (thường bằng 50% giá trị sản phẩm).

Sau đó, Thúy gửi anh trai (đang sống tại Hàn Quốc) mua theo yêu cầu và gửi về.

Khi hàng đến tay khách, món đồ ngoài tiền vận chuyển (ship) tại Hàn và tại Việt Nam còn cộng thêm tiền công đặt hàng (thường là 50.000 đồng).

Ban đầu chủ yếu phục vụ người quen, sau khách giới thiệu nhau, độ tin tưởng tăng dần thì càng có nhiều khách, chủng loại hàng cũng phong phú hơn.

Nắm được thị hiếu của khách hàng trẻ, chủ yếu là lứa tuổi teen, chị Thúy còn đầu tư mua một số mặt hàng “hot” từ Hàn Quốc và đưa thông tin lên một số trang rao vặt.

Cũng mua hàng nước ngoài, nhưng ở cấp độ “chịu chơi” hơn, nhiều người còn đặt mua/may các đồ thời trang theo size của họ. Khách hàng chỉ việc vào website của hãng, chọn kiểu, chất liệu vải… sau đó sẽ có người đặt hàng, nhận và chuyển về Việt Nam, thu tiền công và tiền ship.

shopping
Ảnh minh họa.

Thực chất, những hình thức mua – bán hàng xách tay này là “trung chuyển theo nhu cầu”, không cần quá nhiều vốn song đôi bên phải có độ tin tưởng nhất định. 

Một hình thức nữa đang “thịnh” trong giới trẻ chính là việc làm và bán các sản phẩm thủ công.

Các sản phẩm này được chuộng vì tính độc đáo và đôi khi là “độc bản”. Từ thiệp, tranh giấy cuộn, đồ đan – dệt… cho đến các sản phẩm Origami theo mẫu (hoặc do khách hàng tự chọn)…

Bên cạnh đó là những thứ đồ “đơn chiếc” có thể tạo ra nhanh chóng nhờ công nghệ, chẳng hạn “gối lười” (ruột là hạt xốp, người dùng có thể tự tạo dáng khi sử dụng cho thuận tiện), chuồng và đồ chơi cho thú cảnh, móc khóa (theo tên, theo xe, theo biển số…), thêu theo đặt hàng... Thậm chí, có cả “cây cảnh để bàn” được nhân bản hàng loạt với mức giá từ vài chục đến vài trăm nghìn (được rao tại trang enbac.com).

Đào Cương Quyết, một “nghệ nhân trẻ” có tiếng về Origami cho biết, trước mỗi dịp lễ tết, ngày kỷ niệm, cậu thường phải gấp mỏi tay cho hàng đặt. “Có những sản phẩm phải chuẩn bị trước hàng tháng, do nhu cầu cao, chẳng hạn như chuẩn bị hoa hồng cho ngày 8/3, 20/10 và Valentine’s Day”, Quyết nói.

Tùy theo độ phức tạp của hình mẫu, mức giá từ 25.000 đồng đến trên dưới trăm ngàn.        

Hai mặt của đồng tiền

Đặc điểm chung của các mô hình kinh doanh này là giảm chi phí đầu tư, tận dụng tiếp thị trong cộng đồng mạng… Qua đó, đã chứng minh sự “thích nghi” về kinh doanh trong thời đại internet của giới trẻ.

Trong phạm vi bài viết này, chỉ muốn đề cập đến những điều “không như ý” nhặt nhạnh được từ những mô hình này. Chẳng hạn, việc om hàng dẫn đến bị "om" vốn vì không thể tiêu thụ trong một thời gian ngắn (hạn chế của cơ chế tiếp thị truyền miệng), không nắm được thị hiểu dẫn đến hàng lỗi mốt nhanh chóng, việc giao dịch hoặc quá trình vận chuyển trục trặc…

Hay như với hình thức mua hàng xách tay, nếu loại trừ rủi ro do lừa đảo thì vẫn còn không ít phiền toái. Như việc khách phải chờ lâu, hết sản phẩm như yêu cầu, hoặc hàng mang về khác với mô tả trên trang web, khác với tưởng tượng của khách (về size, màu sắc, đặc biệt là chất liệu)….

Có những trục trặc phát sinh ngay cả khi quá trình giao hàng đã hoàn tất, như sản phẩm lỗi, hoặc có quy định sử dụng đặc biệt… Như vậy, việc thông báo cho khách hàng rõ về các đặc điểm, quy cách sản phẩm cũng như hướng dẫn sử dụng cũng là điều mà các tay “trung chuyển” cần lưu ý tới.

Theo chị Thái Đặng Ngọc Châu, một người từng có quá trình làm việc tại 123mua, đồng thời đang là chủ một shop thời trang online, thì việc mua bán qua mạng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn người ta tưởng. Đó là, sự hiểu biết các diễn đàn, các website thương mại điện tử, nắm rõ đối tượng khách hàng chính, các hình thức tiếp thị hiệu quả hay cách làm nổi bật gian hàng – sản phẩm…

Hơn nữa, dù là bán hàng trên mạng nhưng muốn phát triển thì cần phải chăm sóc gian hàng và khách hàng (tiềm năng) tốt thì mới bán chạy. Sẽ có rất nhiều người muốn hỏi thêm về sản phẩm, muốn được tư vấn chọn đồ, hoặc hỏi thêm về hình thức thanh toán, vận chuyển…

Song Hà

Đọc thêm