Không nên khuyến khích hình thức kinh doanh, sở hữu vàng miếng

(PLVN) -  Bên hành lang Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đã trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về hai vấn đề đang được cử tri quan tâm là tình trạng biến động “nhảy múa” của giá vàng và cải cách tiền lương.
Đại biểu Trịnh Xuân An. (Ảnh: HT).
Đại biểu Trịnh Xuân An. (Ảnh: HT).

Với biến động “nhảy múa” của giá vàng, theo vị Đại biểu Quốc hội Đoàn Đồng Nai, không có một “thị trường vàng” đúng nghĩa và việc điều hành giá phải hết sức bình tĩnh, phải có quan điểm rõ ràng về mặt hàng vàng.

“Tôi không thích dùng từ “thị trường vàng”, bởi chúng ta không có thị trường đúng nghĩa. Chúng ta không nên vì nhu cầu, vì tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội khi muốn tích trữ, kinh doanh vàng, tìm lợi từ vàng miếng… mà đưa ra những hành động có tính chất phi thị trường. Đặc biệt, không nên cổ súy việc biến vàng miếng trở thành một loại hàng hóa”, ông An nhấn mạnh.

Theo ông An, đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vàng là một đối tượng đặc biệt. Do vậy, phải tính toán hết sức kỹ lưỡng và có tư duy quản lý bài bản hơn, không có giật cục, không chạy theo nhu cầu, tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội. Ông An cho rằng, cần nghiên cứu, tính toán lại việc độc quyền vàng miếng theo thương hiệu hiện nay nhằm tránh tình trạng buôn lậu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài nhà phân phối.

“Chính phủ đang chỉ đạo rất sát. Theo tôi, hướng đi đúng là phải tổng kết, đánh giá rất kỹ để sửa lại Nghị định 24. Phải xem xét việc độc quyền vàng, giao SJC bán có đúng hay không? Việc đấu giá để đưa giá vàng đi xuống cũng không phải là giải pháp tốt. Bởi thực tế, đấu giá cũng không giải quyết được chuyện về giá vàng”, ông An đề xuất.

ĐBQH Đoàn Đồng Nai cho rằng, nếu tính là thị trường vàng thì phải xem xét thị trường phụ thuộc vào điều gì, phải quay lại đúng quy luật của thị trường, phải có cung - cầu, phải có những yếu tố cấu thành nên giá mang tính chất phổ quát của quy luật thị trường. Theo ông An, nếu đây là một mặt hàng không khuyến khích hoặc nếu quá phức tạp trong quản lý thì thứ nhất để cho thị trường điều tiết và thứ hai là không khuyến khích hình thức kinh doanh, sở hữu vàng miếng.

ĐB Trịnh Xuân An nêu quan điểm cẩn trọng, đánh giá kỹ lưỡng cách thức vận hành và phải quản lý bài bản, phù hợp vàng miếng trong điều kiện hiện nay. “Tất nhiên, chúng ta phải tính lộ trình. Còn cá nhân tôi thấy rằng, nếu cần thiết thì chúng ta hoàn toàn có thể cấm kinh doanh vàng miếng. Không thể biến vàng miếng thành công cụ tích trữ, bởi nó rất ảnh hưởng đến tỷ giá, đến ngoại hối và ảnh hướng đến điều tiết, điều hành vĩ mô. Điều này làm cho nền kinh tế bị xáo trộn. Nên để cho thị trường điều tiết và quản lý như một loại hình kinh doanh có điều kiện. Nhà nước không nên bỏ ra một khối lượng lớn ngoại tệ nhập vàng để bình ổn giá”, ông An nhấn mạnh.

Về cải cách tiền lương, ĐB Trịnh Xuân An cho biết, chủ trương này đã có và Quốc hội cũng đã cho ý kiến về chủ trương này. Vấn đề hiện nay là thực hiện cải cách phải đi vào thực chất, phản ánh đúng nguyện vọng, nhu cầu của người dân, của khối công chức và khối doanh nghiệp.

Khi tiếp xúc cử tri, có hai vấn đề đặt ra là cải cách phải bảo đảm thu nhập và đời sống, đúng mục tiêu đề ra là thu nhập không thấp hơn so với hiện nay. Việc xây dựng bảng lương mới phải hướng tới phục vụ đúng nhu cầu, đúng nguyện vọng của người lao động, của Nhân dân.

“Tôi cho rằng Chính phủ cũng đang có những giải pháp, những tính toán phải hết sức cụ thể. Tiền lương ảnh hưởng đến đời sống, đến thị trường, đến lạm phát… do vậy, vấn đề tiền lương phải đặt trong tổng thể này. Tiền lương phải tương xứng với công sức lao động, tương xứng với cái đầu vào cấu thành nên tiền lương đó”, ông An chia sẻ.

Đọc thêm